Khi phụ nữ dân tộc làm du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những chị em phụ nữ chân lấm, tay bùn vốn hàng ngày quen với việc đồng áng, ruộng vườn, nhờ tự tìm tòi, học hỏi giờ đây họ đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch, những diễn viên, ca sỹ thể hiện những điệu múa, bài hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn) một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, người thành lập và làm trưởng nhóm văn nghệ “Sắc Chàm” cho chúng tôi biết: “Nhận thấy khách du lịch không chỉ đến đây để tham quan thắng cảnh khu du lịch mà du khách, nhất là du khách các tỉnh xa và khách nước ngoài đều có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức các loại hình văn hóa dân tộc ở địa phương nên chúng tôi tập hợp các chị em phụ nữ trong thôn thành lập nhóm văn nghệ tự học hát, học múa các bài hát, làn điệu của dân tộc Tày, Nùng, Dao phục vụ và quảng bá văn hóa tới du khách ”.

Khi phụ nữ dân tộc làm du lịch ảnh 1

Chị Xuân sử dụng máy tính bảng quảng bá du lịch hồ Ba Bể tới du khách.

Hiện nay, riêng thôn Bó Lù thành lập được gần 10 nhóm văn nghệ thu hút và tạo công ăn việc làm cho gần 100 chị em với mức thu nhập bình quân mỗi người từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, nhiều chị em phụ nữ như chị Xuân đã tự học thêm tiếng Anh, mua máy tính bảng để phục vụ du khách nước ngoài. Sự kết hợp giữa các nhạc cụ truyền thống, văn hóa bản địa với trang thiết bị hiện đại mang lại hiệu quả cao trong quảng bá du lịch địa phương.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - một du khách đến từ Hưng Yên - cho biết: “Gia đình tôi đến tham quan du lịch hồ Ba Bể, không chỉ ấn tượng với cảnh quan nơi đây mà chúng tôi rất vui khi được thưởng thức, giao lưu các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây; chắc chắn chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn bè và sẽ quay lại nơi đây khi có dịp”.

Chị Kiều Anh - người dân tộc Tày thành lập nhóm hướng dẫn viên kiêm hoạt động văn hóa, văn nghệ - cho biết thêm: “Không chỉ phục vụ du khách, các nhóm văn nghệ còn là nơi chị em sinh hoạt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và giúp nhau trong cuộc sống vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa bản địa, vừa tạo thêm công ăn việc làm và tạo ra được nét riêng cho du lịch Ba Bể”.

Cũng theo chị Kiều Anh, để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, chị em phụ nữ còn đăng ký theo học các lớp tập huấn về các kỹ năng làm du lịch, tập huấn kiến thức lịch sử, văn hóa… do các cấp hội phụ nữ tổ chức. Hiện nay, phần lớn các mô hình du lịch tại Ba Bể đều do phụ nữ làm chủ hoặc có sự tham gia tích cực của chị em trong vai trò quản lý.

Tuy nhiên, điều mà nhiều phụ nữ nơi đây còn trăn trở là dù đã tạo ra công việc, thu nhập nhưng hoạt động của các nhóm đa số mang tính tự phát. Để nâng cao chất lượng các mô hình du lịch, chị em phụ nữ mong cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch, biên đạo và truyền dạy các điệu múa dân gian...

MỚI - NÓNG
Ngắm 'hổ mang chúa' Su30-MK2 trên bầu trời TPHCM
Ngắm 'hổ mang chúa' Su30-MK2 trên bầu trời TPHCM
TPO - Tại bến Bạch Đằng, khoảng 8h10 tiếng động cơ ầm ào từ xa vọng lại. Từ hướng cầu Sài Gòn, đội hình trực thăng xuất hiện đầu tiên, mang theo những lá cờ đỏ phấp phới. Người dân đứng xem đông nghẹt dọc bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng ngước nhìn, hò reo đầy tự hào.