Vào tháng 8/2015, khoa cấp cứu Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) xảy ra hỗn chiến giữa bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Trước đó chỉ vài ngày, nữ bác sĩ của Bệnh viện quận Tân Phú (TPHCM) rơi vào tình trạng hoảng loạn khi bị mẹ của một bệnh nhi tát thẳng vào mặt. Dù mẹ bệnh nhi sau đó đã thừa nhận mình sai nhưng không trực tiếp xin lỗi hay có lời chia sẻ nào dành cho bác sĩ.
Đa số các vụ bạo hành y tế rơi vào im lặng
Đầu tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) chứng kiến cảnh một nam bệnh nhân nhảy khỏi cáng cấp cứu và tấn công bác sĩ trực. Sau đó vài tuần, tại Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, xảy ra vụ việc nhóm côn đồ xông vào bệnh viện chém bệnh nhân và đập phá tài sản bệnh viện.
Nhưng theo các bác sĩ, những vụ việc được đưa lên mặt báo nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Tình trạng mất an ninh trong bệnh viện, nhân viên y tế bị người nhà hoặc bệnh nhân bạo hành - có thể bằng lời nói hoặc bạo lực - đã có từ nhiều năm nay và ngày càng xảy ra nhiều hơn.
Và phản ứng của cả ngành y trước những vụ bạo hành y tế khá yếu ớt. Đa số các vụ việc đều rơi vào quên lãng. Bản thân người bị bạo hành im lặng, bệnh viện hoặc ngay cả Bộ y tế cũng im lặng. Không đâu dám lên tiếng đòi lại công bằng cho mình.
“Công chức thường phản kháng kém trong hầu hết mọi chuyện. Một điều rất rõ ràng là tại hầu hết cơ sở y tế, nhân viên bị bạo hành nhưng cấp trên không có ý kiến, thậm chí còn kỷ luật nhân viên bị bạo hành. Do sợ kiện tụng, lãnh đạo cứ đè nhân viên ra gánh trách nhiệm mà không nghĩ đến việc nhân viên mình bị oan”, bác sĩ Võ Xuân Sơn - Ủy viên ban chấp hành Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam - lên tiếng.
Bức xúc trước tình trạng nhân viên y tế liên tục bị bạo hành, bác sĩ Sơn đã thành lập trang web có tên gọi “chongbaohanhyte” vào tháng 4/2015.
Cần sự can thiệp mạnh từ chính quyền
Khi xảy ra bạo hành y tế, dư luận đặt ra vấn đề do cách hành xử của nhân viên y tế đã khiến cho người dân bức xúc.
Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2015, với hơn 8.400 cuộc gọi đến đường dây nóng, chỉ có 12% trong số này phản ánh về thái độ, tinh thần của bác sĩ và một tỷ lệ nhỏ phản ánh về vấn đề vòi vĩnh, nhận hối lộ.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt xử lý những vụ việc gây rối và hành hung y bác sĩ.
“Nơi khám chữa bệnh mà vào bạo hành thì chính quyền phải làm mạnh, xử lý nghiêm. Sở đã ra khuyến cáo an toàn bệnh viện và các bệnh viện đang triển khai. Nhưng xã hội càng lúc càng phức tạp. Vì thế, giải pháp trước mắt là các bệnh viện phải rà soát lại tình hình an ninh bệnh viện”, ông Thượng nói.
Trong khi chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, nhân viên y tế phải tuyên chiến mạnh với nạn bạo hành y tế đang có xu hướng ngày càng nhiều. Để hiệu quả, cũng cần lắm sự lên tiếng mạnh mẽ của Bộ Y tế.