Những chuyên gia hàng đầu châu Á về thỏ như ông Fujimoto và tiến sỹ Ðinh Văn Bình của Nippon Zuki đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát kỹ lưỡng về thổ nhưỡng và thời tiết ở vùng cửa ngõ Tây Bắc từ lâu, và họ đã tận mắt chạm vào tiềm năng từ những trại nuôi thỏ của người dân Yên Bái. Ở đây thậm chí có những người dân ‘làm chơi, ăn thật’, chỉ đầu tư một vài chục triệu đồng đã có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi thỏ như ông Hoàng Văn Kem ở huyện Văn Chấn, ông Bùi Quốc Trị ở huyện Trấn Yên, hay doanh nghiệp Quang Thanh ở Trấn Yên thì còn thâm niên nuôi thỏ từ nhiều năm qua có thu lời tiền tỷ.
Nhu cầu tiêu thụ tại nhà máy của Nippon Zuki ở Bắc Ninh cần tới 4000 con thỏ/ngày trong khi trại thỏ của người Nhật ở Yên Bái với sức đầu tư ‘khủng’ như trên mà chỉ mới đáp ứng khoảng 1000 con/ngày. Từng tìm đến Nga, Hungary, và cả Thái Lan, Nippon quyết định đến Yên Bái đầu tư trại nuôi thỏ tầm cỡ quốc tế tương đương nhà máy tại Trung Quốc.
Câu chuyện đầu Xuân về con thỏ đầy ắp niềm vui mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường kể với báo Tiền Phong mới đây có nhiều thông tin phấn khởi. Ông nói sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực của Yên Bái đã thực sự khởi sắc với những hướng đi mạnh dạn đang trở thành giải pháp đột phá không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây làm giầu. Sản xuất nông nghiệp ‘đổi về chất’ khi chỉ trong 5 năm đã sử dụng tới 230 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học vào lĩnh vực này. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới bằng nông nghiệp công nghệ cao để tăng thu nhập cho người dân đã nhân ra bằng những con số ấn tượng: vùng chè tập trung(12.000ha, vựa chè lớn nhất nhì cả nước, mang lại doanh thu đến 500 tỷ đồng/năm cho huyện Văn Yên), quế (33.000ha, hàm lượng tinh dầu tốt nhất cả nước), cây cho quả có múi (500ha cam Văn Chấn, vị ngọt đượm, thơm giòn nổi tiếng, mang lại nguồn thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, nhiều hộ có nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm)... đang góp vào tỷ trọng tăng 5% sản phẩm nông – lâm nghiệp, và khiến tỷ lệ nghèo giảm hàng chục phần trăm chỉ trong dăm năm. Tỉnh miền núi Tây Bắc vùng cao có tới hơn nửa là đồng bào dân tộc thiểu số đang thay đổi diện mạo từ nông thôn ra thành thị nhờ sức sống của nông nghiệp có tầm nhìn.
Ít ai biết rằng ở lòng hồ thủy điện Thác Bà đang nổi lên những mô hình nuôi cá đặc sản (hiện có hàng trăm bè nuôi cá), cung cấp cá ngon và sạch nhất nếu bạn từng được thưởng thức. Bao nhiêu cá cũng tiêu thụ hết veo. Cái cách người nông dân muôn đời thiếu đất sản xuất nay biết quây lưới nuôi cá ở muôn vàn ngách, eo ở hồ Thác Bà có nguồn nước sạch nổi tiếng đang khẳng định hàng trăm triệu đồng thu nhập mỗi năm của từng hộ gia đình là khát vọng và năng lực thoát nghèo, làm giầu trên vùng đất khó trở thành hiện thực chứ không còn là mơ ước xa.
Ðường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chạy qua Yên Bái đã tạo sức sống mới cho môi trường đầu tư Yên Bái khá thuận lợi. Khi ‘ông lớn’ Vincom chi tới ngàn tỷ trồng rau quả sạch tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc..., thì mới đây Tập đoàn đã để mắt tới Yên Bái. Chỉ 3 tháng cuối năm 2015 đã liên tục cử chuyên gia tới Yên Bái nghiên cứu nhiều lĩnh vực, có dự án đã khởi công, như xây dựng Trung tâm thương mại gắn với khu phố múa sắm tại Tp Yên Bái, nghiên cứu đầu tư khu du lịch quy mô lớn tại Vân Hội, khảo sát đi sâu vào phát triển nông nghiệp cong nghệ cao. Ðích thân Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường đã trực tiếp làm việc và thống nhát với Chủ tịch Tập đoàn về lộ trình nghiên cứu và đầu tư vào Yên Bái. Và Vincom còn dám khẳng định du lịch Tây Bắc không thể bỏ qua Yên Bái khi chỉ vài giờ xe chạy từ Hà Nội lên du khách đã có mặt tại khu nghỉ dưỡng 5 sao ở đầm Vân Hội do tập đoàn đang đầu tư xây dựng. Sắc màu sinh thái vùng sơn cước đang biến thành vùng kinh tế đặc biệt không chỉ có lợi cho nhà đầu tư, mà hàng trăm ngàn người dân Yên Bái được thụ hưởng.
Giao thông kết nối liên vùng và đối ngoại, bài toán khó ở vùng đồi núi chia cắt đã được lãnh đạo tỉnh Yên Bái hóa giải liên tục những năm qua đang mang lại sức sống kinh tế vượt bậc (Yên Bái thu ngân sách đạt 1.735 tỷ đồng năm 2015, vượt xa so với gần 1.400 tỷ năm 2014), để quyết tâm trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Măng tre Bát Ðộ hợp với thổ nhưỡng đã nhiều năm phủ xanh đến hơn 3.000ha khắp những triền núi cao ở Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn… Sự góp sức của hai tổ chức phi chính phủ như Hadeva và Mekong Bamboo khi tổ chức hội thảo với tỉnh này về măng tre Bát Ðộ, và sự ra đời của một số nhà máy chế biến cùng hỗ trợ cho nông dân, đưa sản phẩm đi Hàn Quốc, Ðài Loan, Nhật Bản, đã khẳng định vùng măng tre tập trung giàu tiềm năng. Không chỉ cây trồng theo cách làm mới, canh nông vừa “chuyên”, vừa “đa” ở những miền sơn cước Yên Bái bây giờ còn có những mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng “bán chăn thả” vùng cao đã cải thiên rõ rệt khắp nơi.
Bây giờ sẽ không còn ngạc nhiên khi cả nước biết rằng Yên Bái chỉ còn nợ công vài chục tỷ đồng trong khi nhiều tỉnh thành con số này là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ. Không dàn trải đầu tư, tất cả dành cho cấp bách dân sinh và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông – lâm nghiệp được chú trọng đặc biệt. Hạ tầng giao thông phủ sóng lên đất quế Văn Yên, đi vùng chè Nghĩa Lộ, bon qua đất Mù Cang rộng lớn, bức tranh nhà nông ở vùng cao đã khởi sắc tươi tắn nhờ những ‘con đường nông nghiệp lớn’ khác biệt đầy tiềm năng.
Diện mạo nông thôn Yên Bái đang từng ngày đổi thay nhờ nỗ lực của người dân vùng cao và những giải pháp đột phá về nông – lâm nghiệp.
‘Gà an toàn sinh học’ – sản phẩm cung cấp những con gà thả vườn đồi chính hiệu cho nhiều miền vùng xuôi, đang được phát triển tại Yên Bái. Chỉ một trang trại ở ven đô Tp Yên Bái đã cho ra tới 5.000 con/ngày, nhiều hộ có sản lượng 2.000 con/ngày. Hay là ‘lợn sạch CP’ nuôi theo công nghệ Thái Lan đang phổ biến ở nhiều địa phương tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Tp Yên Bái, hiện đang được nhân rộng đến nhiều xã theo mô hình chăn nuôi hộ gia đình rất hiệu quả. Rồi thì súp lơ xanh Nhật Bản, cà chua Montavi Ấn Ðộ, tằm sắn giống khỏe, lúa chịu lạnh..., tất cả tựa vào công nghệ để cho người dân đổi đời. Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Yên Bái, người gắn bó sống chết với cây quế Văn Yên khi ông còn làm lãnh đạo huyện này, nói rằng công nghệ nông nghiệp đang thực sự tạo được vùng kinh tế hàng hóa nông nghiệp – nguồn kinh tế chủ lực của vùng cao Yên Bái ngày nay. Thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ ở vùng cao Yên Bái giờ đếm cả ngày chưa hết. Ông cho biết tỉnh Yên Bái bố trí nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án khoa học chiếm khoảng 70% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm. Trong đó, tập trung ưu tiên dành trên 40% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu triển khai lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nhân rộng mô hình áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất. Những trại giống quy mô lớn đang phát huy hiệu quả rất cao, khẳng định năng lực chủ động cung cấp tại chỗ cho nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi cho thấy Yên Bái đang đầu tư đúng hướng.
Thị trường cần gì, Yên Bái hướng tới cung sản phẩm ấy, nhưng có chất lượng cao – Giám đốc Trần Thế Hùng nói. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín (từ nhà doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đến từng hộ dân, cùng tiếp sức, hỗ trợ nhau) được Yên Bái quan tâm đặc biệt. Nhà ai trồng chè, nuôi trâu, làm chè..., ắt có doanh nghiệp sát cánh, và chính quyền Yên Bái tiếp sức toàn diện. Vậy là nhà nông Yên Bái có thể an tâm, có công nghệ, có nguồn lực, lại không phải lo tiêu thụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà:
"Chúng tôi tập trung triển khai Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, chú trọng vào tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ cấu lại nguồn lực đầu tư cho nông, lâm nghiệp và hệ thống tổ chức, bộ máy toàn nghành nông nghiệp, cơ cấu và chuyển dịch đối tượng lao động nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, phát triển bề rộng sang phát triển chiều sâu; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của dân cư nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị - xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,0%/năm, và có đến hơn 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðây cũng là nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này".
Yên Bái có tổng diện tích đất tự nhiên 688.630 ha, trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 588.000ha. Vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có số ngày nắng, ngày mưa nên đất đai của Yên Bái rất phù hợp với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt thuận lợi phát triển cây hàng năm, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và trồng rừng. Riêng với chè – cây kinh tế chủ lực hàng chục năm qua ở Yên Bái, đến năm 2020 dự kiến đầu tư mới thêm 10 nhà máy chế biến các loại với tổng công suất 150 tấn búp tươi/ngày, có sản phẩm chè đen theo công nghệ CTC, OTD xuất khẩu, chè xanh đặc sản, xuất khẩu, nội tiêu và chè tinh chế. Nay tỉnh Yên Bái đã có 8 cơ sở chế biến hiện đại, gồm: 3 dây chuyền chế biến chè đen CTC (Công ty CP chè Văn Hưng, Công ty CP chè Tân Phú, Công ty TNHH chè Hữu Hảo); 5 dây chuyền chế biến chè xanh (Chè xanh Nậm Búng, chè xanh Công ty CP Liên Sơn, công ty CP chè Trần Phú, Công ty CP chè Văn Hưng, Công ty TNHH chè Hữu Hảo). Ðầu tư 10 máy phân loại hiện đại của Anh, Nhật, Hàn Quốc sản xuất.