Năng lượng đó càng thêm thăng hoa bởi sự cổ vũ nhiệt thành của người hâm mộ trẻ. Tuy nhiên đa số khán giả đến với đêm nhạc lại thuộc lứa U40 - những người thích nghe nhạc trong nhà hơn là ra sân vận động. Cũng đang tiến đến lứa tuổi đó, Mỹ Tâm không thể mãi hát nhạc trẻ?
Mỹ Tâm vẫn đem được không khí sân vận động vào khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối 23/7. Nhóm cổ động viên ruột của cô ngồi rải rác ở tầng một và sở hữu gần như toàn bộ tầng hai. Khi Tâm xuất hiện, khi Tâm lên một nốt căng hay thay trang phục đều nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt. Đội ngũ fan này hô khẩu hiệu hoặc hát đệm cho thần tượng rất đều. Họ cũng chơi đẹp khi cổ vũ các khách mời. Đêm nhạc kết thúc rồi, nhiều bạn trẻ vẫn ở lại hô vang: “Hà Nội yêu Mỹ Tâm!”.
Liveshow Hãy về với nhau của Mỹ Tâm có thể coi là hoàn hảo nếu cô không hát một bài. Hát xong dường như Tâm cũng cảm nhận được sự ngỡ ngàng (đến không kịp vỗ tay?) nơi khán giả, cô lập tức giới thiệu khách mời tiếp theo ra sân khấu. Không phải Tâm hát dở hay mắc lỗi gì, chẳng qua vì cô hát nhạc sến. Nhưng như Bằng Kiều nhận xét, vẫn ra chất… Mỹ Tâm. Bằng Kiều tư vấn Tâm nên chọn một bài có âm sắc dân ca Nam bộ sẽ hợp hơn.
Là thần tượng của rất nhiều thanh thiếu niên, có vẻ Mỹ Tâm cũng ý thức được trách nhiệm… giáo dục thế hệ trẻ. Với ai đó: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” chứ Tâm thì: “Tình đẹp hơn khi không còn dang dở”. Trước hàng ngàn khán giả, cô khẳng định quan điểm yêu là phải chung thủy “như hai cô chú kia kìa”- vừa nói Tâm vừa chỉ cặp vợ chồng già ngồi hàng ghế đầu. “Yêu là phải biết thứ tha”- cô nói khi giới thiệu bài Thứ tha… Tóm lại trong một đêm nhạc có biên độ lứa tuổi khán giả rất rộng, Mỹ Tâm chứng tỏ khả năng làm các vị phụ huynh yên tâm về thần tượng của con cháu mình.
Trong hơn ba giờ, ca sĩ hoàn toàn chinh phục khán giả bằng giọng hát, ngoại hình, trang phục và cả cách trò chuyện duyên dáng, có phần ngộ nghĩnh. Có cảm giác cô đang ở độ chín của nghề nghiệp để có thể đo được cảm xúc khán giả.
Ngồi bên tôi là một khán giả cứng tuổi, đem theo vợ con. Ông có vẻ khá phấn khích, nhiều lúc dậm chân đánh nhịp theo Tâm. Nhưng tiết mục nhạc sến vừa kết thúc, ông nói: “Mỹ Tâm hát bài này mất thương hiệu (?)”. Rất may sau đó Tâm đã làm sân khấu nóng hơn bao giờ hết bằng những bài sôi động sở trường. Thực ra thương hiệu Mỹ Tâm đâu dễ mất thế.
Tâm giãi bày như tên gọi Hãy về với nhau, cô muốn làm thế nào đến với khán giả gần nhất có thể. Có thể hiểu trên tiêu chí đó, Mỹ Tâm sẵn sàng cho mọi người thấy sở đoản của mình, miễn sao để khán giả thấy cũng như họ, cô cũng nghe, cũng thích nhạc bolero và có thể hát nó dù chưa hay.
Giọng hát Mỹ Tâm chạm đến độ tinh tế khi hát nhạc Trịnh. Đang hát Đêm thấy ta là thác đổ, Tâm phải dừng lại để khóc. Cô quá xúc động khi nhớ lại cách đây hơn 15 năm, cũng trên sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị, cô đã hát bài này trong chương trình Lá thư âm nhạc. “Sau bằng ấy năm, mình vẫn còn ngồi đây, vẫn được khán giả yêu thương…”. Tâm bắt đầu sự nghiệp ca nhạc cũng bằng một bài nhạc Trịnh. Nhớ mùa thu Hà Nội giúp cô đoạt giải Giọng ca vàng báo Mực Tím 1998.
Tuổi 35, Mỹ Tâm vẫn đầy sức trẻ nhưng chắc cũng đến lúc cô cần sự chuyển hướng để tiệm cận lớp khán giả lớn tuổi hơn. Rất có thể liveshow Hãy về với nhau là bước thăm dò cho sự mở rộng thị phần đó. Chương trình này do Mỹ Tâm tự chọn bài và khách mời, gồm: Bằng Kiều, Tấn Minh và Quang Dũng. Mỹ Tâm “thử” hát theo dòng nhạc của đàn anh. Cô song ca với Quang Dũng Anh còn nợ em (Anh Bằng), song ca với Tấn Minh Em và tôi (Thanh Tùng), cùng Bằng Kiều hát Như đã dấu yêu (Đức Huy)… Rất có thể cô đang làm cuộc điều tra cho bước đi tiếp theo trong những dòng nhạc “già” hơn những gì cô vẫn theo đuổi.