Hà Nội đột phá trong đào tạo cán bộ:

Khi lãnh đạo 'phỏng vấn' cán bộ quy hoạch

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên. Ảnh: TH/KTĐT.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên. Ảnh: TH/KTĐT.
TP - Hà Nội vừa tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố. Ðáng chú ý, các học viên phải bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng là chính các lãnh đạo cao nhất thành phố như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND,Chủ tịch HÐND... Ðây được đánh giá là cách làm mới, sáng tạo, khoa học. Tiền Phong trao đổi với Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo xung quanh nội dung này.

Chuyên gia quốc tế trực tiếp đứng lớp

Thưa ông, Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, trong đó học viên khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp phải trình bày chương trình hành động ở cương vị quy hoạch và được lãnh đạo thành phố kiểm tra vấn đáp. Ông đánh giá như thế nào về mô hình này?

Lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức trên tinh thần đổi mới, khoa học, bài bản, chuyên nghiệp. 145 học viên đều là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã. Trong quá trình học tập, các học viên được nghe giảng, trao đổi trực tiếp với giảng viên, báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực có liên quan, các đồng chí lãnh đạo thành phố có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn công tác. Đặc biệt, đã mời chuyên gia nước ngoài là người Việt Nam hiện đang giảng dạy tại các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài về trực tiếp truyền đạt trong 2 ngày. Một số chuyên đề do các đồng chí Thường trực Thành ủy và Ủy viên  Ban Thường vụ Thành ủy với kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý phong phú, sâu sắc trực tiếp đứng lớp.

Đặc biệt, việc đánh giá kết quả học tập của học viên cuối khoá học bằng phương pháp bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng gồm các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố là cách làm mới, sáng tạo, khoa học, đạt hiệu quả cao. Các học viên được trình bày về quan điểm, tầm nhìn, đề xuất cách làm, các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ ở cương vị công tác được quy hoạch, các nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị với lãnh đạo thành phố, qua đó, lãnh đạo thành phố cũng có điều kiện đánh giá được thực chất năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; giúp cho việc bố trí, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ của thành phố đúng, hiệu quả hơn.

Qua lớp bồi dưỡng cán bộ vừa qua, Thành ủy đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ kế cận như thế nào? Họ cần những phẩm chất nào để có thể phù hợp với giai đoạn phát triển mới của thành phố và yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân Thủ đô?

Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá 145 học viên lớp đào tạo, có thể nhận thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Hà Nội hiện nay có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh; có trình độ, năng lực cao,đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn cụ thể, với mỗi đối tượng cán bộ lại cần có những yêu cầu mới. Trong thời kỳ hiện nay khi khoa học - công nghệ phát triển, người cán bộ phải có trình độ về công nghệ, làm chủ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Một yêu cầu nữa là, cán bộ phải có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, vì dân.Công cuộc cải cách hành chính đã được đẩy mạnh từ nhiều năm nay cũng là nhằm mục tiêu này.Xây dựng phương pháp làm việc chuyên nghiệp, có tính kế hoạch cao, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là cần thiết. Ngoài ra, cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng, đây cũng được xem là một trong những yêu cầu hàng đầu. Bản lĩnh mà trước hết là bản lĩnh chính trị của người cán bộ chính là yếu tố quan trọng, có bản lĩnh người cán bộ sẽ không bị tác động, ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực.

Chính quyền đô thị sẽ tăng quyền tự chủ

Khi lãnh đạo 'phỏng vấn' cán bộ quy hoạch ảnh 1

Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Vũ Ðức Bảo (giữa).

Hà Nội đang rốt ráo thực hiện xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị. Kết quả đến nay như thế nào, thưa ông?Ông kỳ vọng gì vào mô hình chính quyền đô thị đang được xây dựng của thành phố?

Với mục tiêu, mô hình của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tình hình của Thủ đô hiện nay, qua đó phát huy được tiềm năng vốn có, tạo động lực, chuyển biến lớn cho thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, xây dựng chính quyền đô thị còn là để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời hơn, từ đó sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc thí điểm xây dựng Đề án sẽ khiến Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thu hút nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao vào bộ máy quản lý, điều hành… tạo tiền đề cho một chính quyền hiệu lực, hiệu quả phù hợp với thực tế phát triển.

15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi

Với nhiều biện pháp để tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ, ông kỳ vọng gì vào thế hệ lãnh đạo mới của thành phố?

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ rõ: Triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao; có ý thức trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phụng sự sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, phục vụ nhân dân.

Đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý phải đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Chúng tôi phấn đấu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý bảo đảm đủ tiêu chuẩn chức danh của Trung ương và của Thành uỷ quy định. Theo đó, đảm bảo từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy nhiệm kỳ tới từ 20-25%.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Các học viên được trình bày về quan điểm, tầm nhìn, đề xuất cách làm, các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ ở cương vị công tác được quy hoạch, các nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị với lãnh đạo thành phố, qua đó, lãnh đạo thành phố cũng có điều kiện đánh giá được thực chất năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; giúp cho việc bố trí, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ của thành phố đúng, hiệu quả hơn”.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Ðức Bảo 

Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương:

 Rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng cho cán bộ

Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch Ban chấp hành Ðảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 có tác dụng rất lớn đối với các học viên. Hà Nội đã đi đầu, thể hiện quyết tâm trong việc đào tạo cán bộ. Các học viên tham gia lớp học được trang bị hành trang, kinh nghiệm từ chính những cán bộ lãnh đạo Thành ủy, HÐND, UBND thành phố. Thông qua việc học tập, trao đổi, đặc biệt là bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng gồm các đồng chí lãnh đạo thành phố, các học viên như tôi nắm bắt được chiến lược xây dựng cán bộ trong thời gian tới, những nhiệm vụ đặt ra với vị trí công tác trong tương lai.

MỚI - NÓNG