Video: Khỉ đuôi dài ‘ăn trộm tống tiền’. Nguồn: BBC Earth. |
Khỉ đuôi dài có tên khoa học là Macaca Fascicularis, còn gọi là Khỉ ăn cua, thuộc họ Khỉ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng Primates.
Khỉ đuôi dài phân bố ở Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippinne. Trong nước, khỉ đuôi dài phân bố khắp cả nước, từ Thừa Thiên – Huế trở vào Kiên Giang.
Khỉ đuôi dài có lông màu xám đến nâu đỏ, màu lông phía trước bụng nhạt hơn. Lông trên đầu mọc hướng về sau, thường có mào, mặt có màu hồng. Con đực lớn thường có hai chỏm lông trắng trên miệng ở hai bên như bộ ria. Con non sinh ra có màu đen. Chúng có đuôi dài phủ lông, chiều dài đuôi gần bằng hoặc dài hơn cơ thể. Chúng là loài có đuôi dài nhất.
Khỉ đuôi dài sống trong rừng rậm nguyên sinh, thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển. Thức ăn chủ yếu là quả, hạt, nõn cây, lá, những phần khác của thực vật và động vật như côn trùng, ếch nhái.v.v…
Chúng hoạt động vào ban ngày và chủ yếu ở trên cây. Loài này bơi rất giỏi và thường nhảy xuống nước từ cành cây. Con đực đầu đàn thường ít đánh dấu khu vực như các loài khỉ khác. Các con non trong đàn thường đùa nghịch với nhau cho đến khi trưởng thành sẽ ít đùa hơn. Chúng thường sống thành đàn từ 10 – 100 con, ít khi gặp một con sống đơn lẻ. Đàn có cấu trúc nhiều đực, nhiều cái, trung bình 1 con đực/ 2,5 con cái.
Khỉ đuôi dài có thời gian mang thai 160 – 170 ngày, thời gian giữa hai lần sinh sản là 13 tháng (12 – 24 tháng), tuổi trưởng thành vào lúc 50 – 51 tháng, thời gian sống 37 – 38 năm.
Khỉ đuôi dài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp.