Thông tư 36 yêu cầu từ 1-2-2015 các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng quốc doanh chỉ được đầu tư tối đa 15% vốn huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) vào trái phiếu. Các ngân hàng cổ phần, liên doanh, hợp tác xã, tổ chức phi ngân hàng...được áp dụng mức cao hơn.
Phản ứng đầu tiên đã xảy ra. Tuần trước khối ngoại bán ròng hơn 3.100 tỉ đồng trái phiếu, mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Những tháng trước họ toàn mua ròng. Cũng có thời điểm họ bán ròng, nhưng mức độ cao lắm chỉ 1.000 tỉ đồng/tuần. Cộng với việc bán ròng hàng trăm tỉ đồng cổ phiếu trên Hose và Hnx, số tiền họ cần chuyển thành ngoại tệ lên tới 200 triệu đô la Mỹ. Đây là một trong những nguyên do đẩy tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có ngày sát giá trần.
Đừng nói khối ngoại chốt lời trái phiếu. Lãi suất thứ hàng hoá này đang rất thấp. Họ không thể có lời nếu mua vài tháng trước và bán bây giờ. Cái chính là việc giới hạn tỷ lệ đầu tư trái phiếu nói trên sẽ làm giảm mạnh nhu cầu từ phía chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng quốc doanh – hai chủ thể lớn đang kiểm soát thị trường trái phiếu. Thiếu cầu từ phía họ, các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Kho bạc cũng “nguội lạnh”, chỉ bán được vài trăm tỉ đồng/phiên, chẳng bù cho quí 3-2014, lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán.
Đáng nói qui định mới này chuẩn bị thực hiện đúng vào lúc sức hấp dẫn của các thị trường cận biên như Việt Nam đối với dòng vốn gián tiếp nước ngoài giảm đi. Tiền rẻ sẽ không còn tìm đến và đậu lại ở những miền đất rủi ro cao – lợi nhuận cao khi mà đồng đô la Mỹ đang ngày càng có giá, lãi suất đô la sắp tăng, các loại tài sản như chứng khoán ở châu Mỹ, châu Âu đang mang lại mức lợi nhuận đáng mơ ước.
Tại Đức và Pháp, chỉ số chứng khoán, theo kênh truyền hình CNBC, tăng 11% trong vòng một tháng rưỡi qua. Cùng thời gian trên, chứng khoán Mỹ tăng 13%, bỏ xa các thị trường mới nổi. Tiền “nóng” đang dịch chuyển về lại các thị trường tài chính truyền thống, nơi sự minh bạch cao hơn, rủi ro ít hơn và lợi nhuận hứa hẹn còn tiếp diễn.
Chẳng lạ gì khi 5 tháng qua khối ngoại nhẫn nại bán ròng cổ phiếu trên sàn, tổng cộng 3.500 tỉ đồng. Các quỹ của VinaCapital vẫn đang mua lại chứng chỉ quỹ nhằm trả bớt tiền cho nhà đầu tư. VN-Index đã mất 60 điểm chủ yếu do nước ngoài bán ra PVD và GAS. Lúc cao điểm, nước ngoài nắm giữ 56 triệu cổ phiếu GAS trên tổng số hơn 62 triệu đơn vị lưu hành. Mấy tháng qua họ mới bán khoảng 8 triệu cổ phiếu GAS, mà VN-Index đã không “chống đỡ” nổi. Điều gì sẽ xảy ra nếu số cổ phiếu GAS họ nắm giữ chỉ còn 30 triệu đơn vị, thậm chí 20 triệu? Giá vốn đầu tư bình quân GAS của các quỹ đóng nước ngoài khá thấp, tầm 50.000 đồng/cổ phiếu, giờ bán giá 80.000, 70.000 hay 60.000 đồng, họ vẫn có lời.
Những “con cáo già” tổ chức đầu tư nước ngoài thường có tầm nhìn dài hạn và quyết đoán. Khi giá dầu thế giới giảm định hình thành xu hướng, họ rời bỏ cổ phiếu dầu khí không chút “thương xót”. Họ đón đầu và đi theo xu hướng thị trường. Cổ phiếu dầu khí đã “vỡ trận” trên khắp thị trường chứng khoán thế giới, trong khi cổ phiếu ngành vận tải trên mọi châu lục lên ngôi. Ngay cả cổ phiếu các hãng hàng không vốn rất trì trệ cũng đã tăng điểm. Còn cổ phiếu các hãng vận tải và vận chuyển hàng hoá liên tiếp đạt đỉnh mới.
Một thông tin bên lề: ông Don Lam, một trong những nhà đầu tư nước ngoài có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở thị trường tài chính Việt, đã rời bỏ vị trí lãnh đạo của quỹ VOF, quỹ lớn nhất của VinaCapital. Thông cáo báo chí đăng tải trên website của VinaCapital ngày 27-11-2014 xác nhận điều này. Những con cáo, cả cá nhân và tổ chức đã rời hang! Sự dịch chuyển của họ và của dòng tiền đang tiếp tục.