Giữ lại nồi canh của bà, của mẹ
Xu hướng tìm kiếm, bảo tồn và nỗ lực để hồi sinh các loại cây trồng hoang dã đã được nhiều nước trên thế giới âm thầm tiến hành. Tại Việt Nam, từ khoảng hơn 10 năm trước, các nhà khoa học đã nâng cao ý thức “giữ lại nồi canh của bà, của mẹ” thông qua việc nghiên cứu và nhân giống nhiều loại rau chỉ phổ biến ở “thời thương khó”.
Ví dụ mô hình bảo tồn và phát triển rau sắng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), mô hình trồng cây đắng đất của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, mô hình đưa cây lá bép, bầu đất (rau lủi), lỗ bình, cà đắng… trồng đại trà của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng…
Rau nhót hiện đã thành đặc sản mới của Nghệ An |
Điều thú vị là trong quá trình tìm kiếm giống cây, nghiên cứu và bảo tồn, các nhà khoa học đồng thời phát lộ ra nhiều giá trị văn hóa, tri thức... đi kèm những rau cỏ quê kiểng ấy. Đơn cử, trường hợp của các nghiên cứu viên tại Khoa Sinh học, Đại học Đà Lạt: trong khi điều tra về cây lá bép với mong muốn đưa ra làm rau thương phẩm, nhóm đã phát hiện một kho tàng rau rừng và tri thức về rau rừng trong cộng đồng dân tộc bản địa Lâm Đồng chưa từng được phổ biến rộng rãi.
Hay trong quá trình nghiên cứu về tác dụng lên men của các loại cây, cỏ, nhóm nghiên cứu viên của ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên phát hiện ra nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đã có tri thức truyền thống về sử dụng cây cỏ làm men rượu vô cùng đa dạng, có giá trị khoa học và thực tiễn vô cùng lớn nhưng cũng chưa từng được ghi chép để có thể lưu giữ lâu dài.
Lục bình bán giá 80 yên một cây ở Nhật Bản |
Tín hiệu đáng mừng là ngoài những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều người nông dân cũng đã nhìn ra lợi ích thực tế của rau dại và trực tiếp tiến hành nhân giống, mở rộng trồng trọt. Điển hình như một số hộ dân ở phường Trà Lồng, Long Mỹ, Hậu Giang xuất phát từ thói quen đi “mót” rau dại bán, nhận thấy nhu cầu “thương nhớ rau xưa” của khách hàng rất lớn, họ đã kiếm giống rau về trồng trong vườn. Những giống huyết bò, cải trời, chuỗi ngọc, đắng đất... được dân thuần dưỡng đã tạo ra một địa chỉ cung cấp rau tập tàng (từ nhiều loại rau dại hay sống ở đồng bãi) cho dân cư quanh vùng. Nhóm nông dân này hiện đang được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang vận động tham gia nhân giống, bảo tồn một số loại rau dại đã được chứng minh có giá trị dinh dưỡng và dược tính cao.
Một trường hợp khác, là anh Trần Văn Quân ở Hoàng Mai, Nghệ An. Bằng vào tri thức tự tìm hiểu, anh Quân đã thử nghiệm và trồng thành công rau nhót trên diện rộng. Đây vốn là một loại cây mọc hoang dại ven sông nước lợ, cạnh đầm tôm, đồng muối, có vị mặn lẫn chua thanh. Hiện rau nhót đã được thâm canh thành công, trở thành một loại rau ăn cao cấp, đặc sản mới của Nghệ An, không chỉ phục vụ cho thị trường địa phương mà đã đẩy mạnh tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành khác.
Những món quà của đất
Món salad rau sam trong một nhà hàng Michelin của Mỹ |
Làm sao để nhân giống, phát triển và đưa những loài rau rừng, rau dại bản địa ra thị trường để phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời bảo tồn nhiều giống rau quý hiếm là vấn đề nhiều nhà khoa học trăn trở. Xu hướng tôn vinh thức ăn chậm (trái ngược với thức ăn nhanh, khuyến khích thực phẩm địa phương và cách thức nấu ăn truyền thống) đang trở thành tất yếu ở rất nhiều quốc gia. Việt Nam đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Rất may, từ những công trình nghiên cứu xuất hiện rải rác, hiện nhiều loại rau “tưởng chừng đã mất” bắt đầu tái xuất rực rỡ, một bước từ mâm cơm nhà nghèo lên bàn tiệc sang trọng của các nhà hàng, mở ra cả một xu hướng sản xuất, kinh doanh mới.
Điều đáng nói, trong số rất nhiều loại rau dại không đáng tiền mọc tự do ngoài đồng, bãi, có nhiều giống ngoài giá trị dinh dưỡng cao, còn có dược tính đặc biệt. Ví dụ, cây rau sam đỏ mọc hoang ở ta chính là một “vị thuốc trường thọ” trong y học cổ truyền Trung Quốc. Hay trái tầm bóp trẻ con thích hái giả làm pháo, khi xuất khẩu lại trở thành một loại quả quý, giá từ vài trăm đến cả triệu đồng một cân. Ngay cây bèo tây người miền Nam gọi là lục bình mọc hoang khắp các đồng nước, sang Nhật cũng trở thành một loại rau quý giá cả trăm yên một nhánh nhỏ.
Căn cứ vào tốc độ tiêu thụ nhanh chóng của những loại rau được thuần dưỡng có thể thấy nhu cầu sử dụng rau rừng, rau dại làm thực phẩm của người dân là rất lớn. Nhiều nhà hàng đã đưa vào thực đơn những loại rau rừng, rau dại như lá bép, bầu đất (rau lủi), lỗ bình, cà đắng, rau nhót, sau sau, chuỗi ngọc… Ở đây, cũng không thể không nói đến công lao quảng bá của cộng đồng du lịch cũng như các diễn đàn ẩm thực trên khắp thế giới. Nhờ lực lượng hùng hậu này, sự xuất hiện của một món ăn kỳ lạ nhất, hiếm có nhất... đều có thể được lan tỏa với tốc độ chóng mặt và phổ cập tới nhiều người.
Một thuận lợi trong việc bảo tồn những giống rau tự nhiên là chúng có khả năng sinh tồn rất mãnh liệt, sức đề kháng mạnh, do đó việc chăm sóc không quá cầu kỳ và gần như không phải dùng các biện pháp phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Điều này được cho là “gãi đúng chỗ ngứa” khi tâm lý người tiêu dùng lúc nào cũng phải “đề cao cảnh giác” với những loại rau ngắn ngày và rau biến đổi gen được phun đẫm thuốc trừ sâu và thuốc kích thích.
Chúng ta hay nói rằng nguồn gen thực vật nông nghiệp là di sản giá trị của quốc gia, cần được bảo tồn và sử dụng hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước bởi đây là nguồn cung cấp vật liệu sinh học duy nhất và cần thiết cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học cũng như cho sản xuất nguyên liệu của các ngành công nghiệp chế biến dược liệu, nhiên liệu sinh học và nhiều ngành khoa học khác.
Thực tế thì, Quỹ gen cây trồng của nước ta đã và đang bị xói mòn nghiêm trọng. Ước tính có trên 80% các giống cây trồng địa phương đã không còn tồn tại trong sản xuất, và con số các loài cây bị đe dọa biến mất vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn gen thực vật nông nghiệp để ổn định năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và phát triển kinh tế, xã hội bền vững ngày càng gia tăng.
Việc tìm kiếm và bảo tồn những giống rau dại, rau rừng được cho là một trong những con đường trực tiếp nhất để tiến đến xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ và canh tác bền vững. Đây có vẻ cũng là con đường duy nhất có thể chống lại rủi ro của hệ thống độc canh và sự phụ thuộc vào các giống biến đổi gen.