Khi bác sĩ là Idol

TP - Là năm thứ 2, dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở nước ta đúng vào thời điểm 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cũng như năm ngoái, năm nay ngành Y tế tiếp tục “nói không” với tiếp khách và nhận hoa dịp này, bởi họ đang tập trung chống dịch. Dù không có những bó hoa tươi thắm như một lời tri ân gửi đến những từ mẫu, nhưng tôi nghĩ, với đội ngũ bác sĩ, ngày nào họ cũng là những thần tượng (idol) của mọi người, mọi nhà rồi.

Trước đây, tôi luôn lấy làm ngạc nhiên, tại sao trong rất nhiều nghề nghiệp hấp dẫn, thú vị, bọn trẻ con luôn có chung ước mơ “Con muốn được làm bác sĩ để cứu người”, khi mình đưa ra câu hỏi “Lớn lên con thích làm nghề gì?” hay “Ước mơ của con sau này sẽ làm gì?”. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao. Với chúng, chỉ cần một người được cứu sống, sẽ có tất cả vũ trụ!

Đôi khi, chính những mơ ước giản đơn của trẻ con lại chính là thực tế đang diễn ra trong cuộc sống. Tại Việt Nam, từ ngày xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên, là những ngày đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, các khu cách ly, phải ăn ngủ chung với dịch bệnh. Hình ảnh của họ không chỉ được người dân trong nước ngưỡng mộ, mà cả thế giới ngợi khen. Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền đã ví von về đội ngũ y bác sĩ Việt Nam rằng: Cái tâm “từ mẫu” của họ đã đi xuyên biên giới. Và quả đúng như vậy.

Từ sự kiện bệnh nhân Trung Quốc mắc COVID-19 đã được chữa khỏi tại Việt Nam cho đến hình ảnh phi công người Anh mắc bệnh đã có thể về nước sau hơn 3 tháng chiến đấu tại bệnh viện, vào một số thời khắc nhất định các bác sĩ đã có những tiên lượng rất xấu. Và, hàng trăm bệnh nhân trong nước được chữa khỏi… Tất cả những hành động, hình ảnh đó đọng lại sau cuối trong tâm trí nhiều người dân Việt Nam là niềm tự hào, sự ngưỡng mộ.

Tại một buổi lễ tri ân đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch diễn ra cuối năm 2020, người theo dõi khó cầm được nước mắt khi một điều dưỡng kể câu chuyện con nhỏ đã quên mất mẹ vì mẹ đi “chống dịch” quá lâu trong bệnh viện. Hay hình ảnh những chiến sĩ áo trắng dây nhợ chằng chịt, đồ bảo hộ vướng víu 24/24 trong những ngày “trực chiến”, khiến chúng ta buốt lòng.

Lúc này đây, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, trong nước nguy cơ vẫn còn nhiều thì có lẽ bác sĩ sẽ còn phải mải miết với trực chiến. Một bác sĩ không thuộc tuyến đầu chống dịch, càng không phải là bác sĩ thăm khám điều trị hàng ngày cho bệnh nhân COVID nhưng mỗi ngày đều đặn bác sĩ ấy vẫn nhắc nhở mọi người trên trang facebook của mình rằng, hãy rửa tay, khẩu trang, không tụ tập… Công việc dặn dò đều đặn đến nhàm chán đó tưởng chỉ có ở những người mẹ lo lắng bảo vệ con mình hằng ngày.

Nhiều bác sĩ vẫn thường ngồi gõ những bài viết chỉ cách phòng dịch. Thậm chí có những bác sĩ còn kiêm luôn nhiệm vụ động viên tư vấn người dân trước sự hoang mang mỗi khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm ở đâu đó trong vùng.

Sáng 24/2, facebook bác sĩ Trương Hữu Khanh đăng tải mấy câu mộc mạc: “Rồi ngày bình thường sẽ đến /Có hoang mang mới biết ta cần nhau/ Cần chia sẻ cần đồng lòng vượt khó/ Rồi sẽ đến, sẽ không xa lắm đâu…”. Cá nhân tôi cùng nhiều bạn đọc cũng sẽ cảm nhận được sự động viên, khích lệ tinh thần trong “mùa dịch” khi đọc những lời chia sẻ đó. “Chỉ cần vậy thôi, đủ để ta nói lời cảm ơn rồi”, một thanh niên phát biểu.

Anh bạn tôi, cũng là một bác sĩ, khiêm tốn chia sẻ, ngày 27/2 không mang ý nghĩa là ngày mà mọi người tri ân, biết ơn người thầy thuốc, nghề y. Với anh, ngày nào còn được lao động,  cống hiến, được bảo vệ sức khỏe cho mọi người, thì đó sẽ là ngày 27/2, là sứ mệnh, trách nhiệm, niềm tự hào của một bác sĩ.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.