Vì thế, Tập đoàn không ngừng nâng cấp, áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, chuyên nghiệp; hợp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu để nâng cao chất lượng sản phẩm; luôn tái đầu tư nhằm mang nhiều lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Chủ động nguồn cung
Nếu thuận lợi, thời gian ngắn tới, Việt-Úc sẽ cho ra đời giống tôm thẻ chân trắng dòng bố mẹ chất lượng mang thương hiệu Việt.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan...Sự lệ thuộc này có nhiều bất lợi: Nguồn cung hạn chế, nhiều khi không đáp ứng đơn hàng nhập khẩu; giá cao khi mỗi con tôm giống bố mẹ nhập mất khoảng 50 USD/con; chất lượng tôm giống chưa chắc đã đảm bảo.
Nhìn thấy những hạn chế đó, Tập đoàn Việt-Úc đã tiên phong đi đầu trong cả nước, áp dụng hiệu quả nhiều công nghệ kỹ thuật hàng đầu thế giới để chủ động hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ chất lượng. Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện Việt- Úc là doanh nghiệp đang sở hữu giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ dòng 2 (G2). Giống tôm này hiện đang trong quá trình đánh giá khảo nghiệm.
Nếu thuận lợi, năm 2016, Việt Nam sẽ có giống tôm thẻ chân trắng dòng bố mẹ chất lượng mang thương hiệu Việt Nam, được nhân rộng và đưa ra thị trường. Việc chủ động được nguồn giống bố mẹ, giúp Việt Nam giảm chi phí khoảng 30%, doanh nghiệp, người nuôi sẽ chủ động được nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản chất lượng cao trong thời gian tới.
“Cây đũa thần” công nghệ
Với kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm, đến năm 2013, Việt Nam đã chính thức trở thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ 3 thế giới. Điều này tạo ra sự khích lệ lớn cho ngành tôm Việt Nam. Tuy nhiên, việc các “ông lớn” trong ngành tôm như Trung Quốc, Thái Lan bị đánh bật ra khỏi các vị trí dẫn đầu, đặt ra bài toán lớn: Làm sao để Việt Nam phát triển ngành tôm một cách bền vững, duy trì thứ hạng cao và thậm chí có thể “đổi màu huy chương”, đưa ngành tôm Việt Nam đứng đầu thế giới.
Mong muốn trên cũng là khát vọng mà Tập đoàn Việt-Úc hướng tới để “Nâng tầm tôm Việt” qua những bước đi táo bạo của mình. Hiện nay, Tập đoàn Việt-Úc đã hợp tác chiến lược với các viện nghiện cứu hàng đầu thế giới như CSIRO của Úc và các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước. Nhờ đó, Tập đoàn Việt-Úc đang sở hữu những công nghệ vượt trội trong ngành thủy sản; đồng thời, không ngừng đầu tư để tiếp tục đem về những công nghệ mới cho ngành thủy sản trong tương lai. Việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sẽ giúp người nuôi giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Việt-Úc, thủy sản Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Cuộc chơi đó không còn gói gọn ở các công ty trong nước, mà còn phải cạnh tranh với những đối thủ lớn từ khắp nơi trên thế giới. Do vậy, việc tạo dựng các thương hiệu mạnh trong nước để dẫn toàn ngành tôm đi lên, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lớn trên thế giới là việc cần thiết.
Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam. Tập đoàn Việt- Úc cho rằng, nên có hành lang pháp lý để giúp ngành tôm phát triển lành mạnh, duy trì được chất lượng và uy tín. Điều đó hết sức quan trọng, giúp các doanh nghiệp có “sân chơi” lành mạnh, tạo động lực phát triển, cùng cạnh tranh với những thương hiệu lớn, những quốc gia đã phát triển trong ngành thủy sản.