Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc:

Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

TPO - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc (24-27/6/2024).

Hội nghị WEF Đại Liên năm nay đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Thủ tướng Chính phủ tham dự một Hội nghị thường niên của WEF. Điều này thể hiện sự tín nhiệm cao cũng như vai trò, vị thế ngày càng lên của Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những kết quả chính của Hội nghị WEF Đại Liên và dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong lần tham gia Hội nghị này?

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc trên tinh thần quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Đoàn Việt Nam đã để lại những dấu ấn nổi bật tại Hội nghị.

Thứ nhất, nước chủ nhà Trung Quốc cũng như Ban tổ chức Hội nghị đã thể hiện sự trân trọng, đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Chính vì thế, WEF đã mời Thủ tướng Chính phủ liên tiếp dự các hội nghị WEF ở Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2023, WEF ở Davos (Thụy Sỹ) đầu năm 2024 và lần này là WEF ở Đại Liên (Trung Quốc).

Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 1Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 2Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 3Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong hai người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị này, Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam đã mang đến thành phố cảng Đại Liên nhiều thông điệp quan trọng, cả tại Hội nghị cũng như trong tiếp xúc với các đối tác.

Thứ hai, với điểm nhấn là bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể, trước khoảng 1.700 khách mời từ 80 quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thủ tướng Chính phủ cũng chuyển tải những thông điệp sâu sắc, rõ nét về những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, về chủ trương, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Qua đây, chúng ta cũng khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF Đại Liên 2024 - Ảnh: VGP

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi những nhận định sâu sắc về thế giới hiện nay và tương lai, đề xuất phải cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, cần có cách tiếp cận, tư duy hợp tác toàn cầu mới mẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy khoa học và đổi mới sáng tạo để tạo ra những động lực tăng trưởng mới thông qua xây dựng thể chế, chính sách; tranh thủ nguồn lực và hợp tác quốc tế đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai…

Bộ trưởng đánh giá gì về kết quả các cuộc hội đàm, hội kiến, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình hoạt động song phương hết sức phong phú, bao gồm hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh

Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc. Trong chuyến công tác, các bộ trưởng, thành viên đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc, làm việc với người đồng cấp của Trung Quốc.

Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 6

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: PV

Các hoạt động của đoàn đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu, mục đích đề ra. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện.

Một là, duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước…

Hai là, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hợp tác thời gian qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thời gian tới.

Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 7Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 8Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 9Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 10

Một số hình ảnh hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đi sâu quán triệt, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của hai Tổng Bí thư hai Đảng, qua đó tiếp thêm những động lực mới mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, không ngừng làm phong phú cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam…

Ba là, không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí coi đây là một “công trình hệ thống” để dày công thúc đẩy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được kế thừa, trao truyền và phát huy. Hai bên nỗ lực triển khai tốt và nâng cao hiệu quả các cơ chế giao lưu hữu nghị như Diễn đàn Nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan Thanh niên Việt - Trung.

Bốn là xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Hai bên nhất trí phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới trên đất liền, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2024…

Tin liên quan