Trạm thu phí vượt thời hạn:

Khẩn trương soát xét toàn bộ trạm thu phí

TP - Tổng cục Đường bộ cho hay đang gấp rút rà soát tất cả các trạm thu phí để tránh tình trạng trạm thu phí vượt hạn. Về Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang, Chủ đầu tư đã chủ động trao đổi với Tiền Phong.

Ngày 27/12, Đại diện Cty TNHH một thành viên hạ tầng Sông Đà (Chủ đầu tư dự án BOT Hầm Đèo Ngang) cho biết: Thông tin Trạm thu phí Đèo Ngang được Thanh tra Bộ GTVT cho biết đã thu  vượt 2 năm so với hợp đồng mới chỉ dừng ở mức ước lượng. Hiện công ty đang cùng Tổng cục Đường bộ quyết toán toàn bộ dự án, qua đó xác định trạm vượt quá thời gian bao nhiêu, thu thừa bao nhiêu tiền. Ông này cũng cho hay, doanh thu tại thời điểm trước khi dừng hoạt động (30/12/2016) khoảng 200 triệu đồng/ngày. Nếu vượt quá 2 năm như Thanh tra Bộ GTVT ước lượng, số tiền vượt quá khoảng 146 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi, vì sao quản lý dự án thường xuyên, công ty lại không công bố trạm đã quá hạn? Ông này cho biết: Theo hợp đồng, dự án được thu phí 18 năm 5 tháng (bắt đầu thu từ 2004), hiện mới được 12 năm, nhưng lưu lượng xe tăng đột biến, hết hạn sớm. Hơn nữa, “Quan điểm của Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, hết hạn trước 2 năm. Nhưng theo tính toán của công ty, phải đến hết năm 2016, trạm mới đủ thu hồi vốn. Do vừa qua, xe tăng nhanh và mặt đường hỏng nhiều, công ty phải bỏ tiền ra sửa chữa lớn” - ông này nói.

Vị đại diện này cho biết, từ tháng 1/2016, Thủ tướng có văn bản đồng ý xây dựng bổ sung hầm thứ hai để thống nhất với toàn tuyến QL 1 (QL 1 có 4 làn xe, Hầm Đèo Ngang hiện có 2 làn xe) và chủ đầu tư được tiếp tục dùng Trạm thu phí Đèo Ngang để hoàn vốn. Tháng 4/2016, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt đầu tư. “Nếu theo các quyết định này, toàn bộ khoản tiền thu dù có thừa đều tính vào việc xây dựng hầm thứ 2. Ước tính, hầm mới sẽ có thời gian thu phí gần 10 năm, nếu trừ đi 2 năm thu thừa thì hầm mới chỉ thu trong 7 năm” - ông này nói.

Tuy nhiên, vị này thừa nhận, dù thu phí để làm hầm thứ 2 nhưng việc quyết toán hầm 1 phải được thực hiện sớm và công khai việc đã đủ tiền đối với hầm 1 cho người dân biết. “Lỗi của chúng tôi và cơ quan quản lý là không lường hết để quyết toán sớm nên xảy ra như hiện nay” - ông này thừa nhận.

Như các chuyên gia bình luận, trách nhiệm trong việc để “trôi” thời gian thu phí trước hết do sự buông lỏng của các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT. Được biết, hiện Tổng cục Đường bộ (đơn vị được giao trực tiếp quản lý thu phí) đang gấp rút cho rà soát toàn bộ 52 trạm thu phí để tránh tình trạng trôi thời gian thu phí. Ngoài đơn vị thường trực theo dõi thu phí là Vụ Tài chính, Tổng Cục đường bộ cũng đã phân công thêm Thanh tra Tổng cục Đường bộ giám sát để phát hiện sai sót trong quá trình thu. Cơ quan chuyên môn của Tổng cục cũng đang xây dựng báo cáo gửi Bộ GTVT liên quan đến vấn đề Tiền Phong phản ánh.

MỚI - NÓNG