Sự cuồng nộ mang tên Khăm Phết Lào
Thu nhập của gia đình Khăm Phết Lào gồm hai nguồn: Làm rẫy, và làm thuốc. Trong đó, tất nhiên làm thuốc là chủ lực, vì ông là người sở hữu nhiều bài thuốc gia truyền nổi tiếng, mà mọi người vẫn quen gọi là "thuốc Ama Kông".
Nguồn gốc bài thuốc Ama Kông gắn liền cuộc đời lừng lẫy chiến tích của 2 ông "Vua Voi", là ông nội và bố của Khăm Phết (với đồng bào theo tập quán mẫu hệ, thì ông nội là bố của mẹ - HTN). Ông nội Y Thu Knul từng được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp-Vua Săn Voi. Trong quãng đời 110 năm săn bắt và mua bán voi ngang dọc khắp Ðông Dương đã sưu tầm được rất nhiều bài thuốc quý. Tài sản đó Y Thu truyền lại cho con rể là Y Prung Eban, tên thường gọi là Ama Kông, cũng đại thượng thọ 103 tuổi với 298 con voi săn được. Ông cũng cực đào hoa và thuộc nằm lòng hàng trăm bài thuốc chữa khớp, lành vết thương, tráng dương bổ thận.
Ama Kông sinh năm 1917 tại Buôn Ðôn. Ông chỉ có hai con trai trên tổng số 21 người con. Y Kông trai cả được truyền nghề săn voi. Còn Khăm Phết (ảnh) con thứ 11 sinh năm 1962 được truyền nghề làm thuốc.
Ama Kông sinh năm 1917 tại Buôn Ðôn. Ông chỉ có hai con trai trên tổng số 21 người con. Y Kông trai cả được truyền nghề săn voi. Còn Khăm Phết con thứ 11 sinh năm 1962 được truyền nghề làm thuốc. Chỉ cần nhìn thấy vết thương sâu hoắm vắt quanh hông và đùi phải Ama Kông, dấu tích của 1 cú ngã từ lưng voi xuống đám gốc le vạt nhọn xuyên thấu thời ông còn trai trẻ, đã được chữa lành không di chứng chỉ bằng lá cây rừng, là đủ hiểu những bài thuốc dân gian này giá trị thế nào.
Từ nhỏ, Khăm Phết đã theo bố vào rừng hái thuốc, học cách thu hoạch từng loại dược liệu theo giờ, theo mùa; học cách phơi sấy, ngâm tẩm, phối hợp hài hòa các loại thuốc quý. Ngoài bí quyết làm thuốc gia truyền, vợ chồng Khăm Phết còn tốt nghiệp trung cấp Ðông y, biết kết hợp các tri thức cổ- kim để biến các bài thuốc dân gian thành sản phẩm hàng hóa tiện dụng, bao bì văn minh.
Khăm Phết đã được các bộ ngành chức năng chứng nhận là người thừa kế duy nhất bài thuốc gia truyền Ama Kông, được bảo hộ độc quyền thương hiệu, được cấp phép lưu hành sản phẩm. Song, khắp nơi vẫn không ngừng phát sinh, lan tràn vô số mặt hàng thuốc Ama Kông giả. Ngay tại Trung tâm Du lịch Buôn Ðôn, sân bay Buôn Ma Thuột người ta cũng không ngần ngại bày bán công khai các bịch thuốc rởm in cả tên lẫn ảnh Ama Kông. Thậm chí trong nhiều sự kiện "đem chuông đánh xứ người", ngành du lịch- thương mại Ðắk Lắk tới nay vẫn tiếp tục vô tư dùng các mặt hàng vi phạm bản quyền sở hữu thương hiệu "Ama Kông" để chào mời, tiếp khách.
Mấy lần Khăm Phết kiện cáo đều thắng, nhưng Ðiều đáng lo nhất - Khăm Phết than với tôi - Không phải là sợ giảm thu nhập. Mà sợ thuốc rởm, thuốc giả nhiễm độc lâu dài khiến người tiêu dùng tiền mất tật mang mà không biết.
Ông nghĩ ra việc lập trang web giới thiệu thông tin chính xác về bài thuốc. Tuy nhiên, khi đi đăng ký tên miền "amakong", Khăm Phết phát hiện tên miền này với nhiều "đuôi" khác nhau đã bị những kẻ ranh ma nhanh chân chiếm hết. Tìm ra tên miền "amakong-khamphetlao" chưa bị xâm phạm, Khăm Phết lập tức mở trang web chính thức http://www.amakong-khamphetlao.vn, đồng thời đăng ký sở hữu thêm 4 tên miền tương tự trong nội địa lẫn quốc tế, để tránh kẻ gian mạo danh trục lợi.
Ðại náo phố phường!
Năm 2002, trường Ðại học Y khoa Huế thực hiện đề tài khoa học mã số KX03-07/DL-2002 “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa tỉnh Ðắk Lắk", công bố nhiều hoạt chất trong bài thuốc Ama Kông tác dụng tốt trong điều trị một số bệnh. Năm 2009, đề tài nghiên cứu cấp Bộ về bài thuốc Ama Kông triển khai tại trường Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã được Hội đồng nghiệm thu của Bộ Y tế công nhận giá trị ứng dụng đạt loại A.
Bài thuốc càng nổi tiếng, càng có nhiều cửa hàng, siêu thị, nhà đầu tư xin Khăm Phết cho mở đại lý bán thuốc, đều bị ông từ chối thẳng thừng. Tôi tò mò hỏi tại sao, ông bực bội nói không muốn người ta làm bậy, trộn vào đó những loại cây lá vớ vẩn, để mình mang tiếng!
Nhưng rồi cũng đã có vài lần Khăm Phết mềm lòng, đồng ý cho vài người thân quen hợp tác mở công ty. Lần đầu là một công ty dược phía Nam, để chế biến viên nang Ama Kông dạng thực phẩm chức năng cho tiện uống, kiểu "viagra Tây Nguyên". Chẳng bao lâu, Khăm Phết đã phát hiện họ nhập thuốc nguyên liệu thì ít, mà sản xuất viên nang quá nhiều. Ðồ bất lương - Ông quát tháo, rồi tuyên bố: Dẹp!
Lần thứ hai với "mấy ông bạn lớn". Chơi với nhau lâu lâu, Khăm Phết thấy có vẻ đáng tin, bèn cho phép họ lập dự án mở xí nghiệp chuyên sản xuất rượu Ama Kông. Xí nghiệp chuẩn bị mặt bằng, thủ tục, công nghệ, mẫu mã chai lọ. Ðợt rượu thử nghiệm đầu tiên, Khăm Phết hể hả vui thích với mẫu bình gốm đúc hình con voi ngộ nghĩnh. Ngày họp báo khai trương tại Hà Nội, sau phần lễ, tới phần lạc. Khăm Phết khui rượu nếm thử mới tá hỏa nhận ra bình nào cũng... nhạt thếch. Sao chúng mày dám làm ẩu? Chúng mày muốn giàu với Ama Kông bằng cách lừa đảo? Thà tao chết còn hơn! Ðám đông đang nâng ly vui vẻ bỗng nghe con trai Vua Voi nổi cơn cuồng nộ, gào thét thì nhốn nháo vọt lẹ lên ô tô, chuồn sạch. Cởi phăng mớ lễ phục xúng xính, còn mỗi chiếc quần đùi, Khăm Phết vung gậy đại náo, đập nát hàng loạt chai hũ, rượu chảy lênh láng khắp sân. Dự án xóa sổ!
Thêm một lần nữa cả nể cho đứa "em nuôi" lập chi nhánh bày bán thuốc Ama Kông tại Hà Nội chỉ 3 tháng là tan, Khăm Phết thề như dao chém đá tuyệt đối không bao giờ mở điểm bán thuốc Ama Kông nào khác, ngoài nhà riêng. Mà nhà ông thì nằm sâu trong buôn Kõ Tam, xã Ea Tu, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột tới 10 cây số. Du khách tới Ðắk Lắk ai cũng muốn mua được loại thuốc Ama Kông xịn, nhưng không phải ai cũng biết đường hay đủ thời gian tìm đến tận nơi. Ðiện thoại vào buổi tối hay chủ nhật là ông cắt, lý do cần được nghỉ ngơi. Nhiều chỗ năn nỉ ông cho mở đại lý không được, bèn mua thuốc rởm để có hàng bán cho du khách. Ngộ ra tình thế lợi bất cập hại, Khăm Phết đến tận Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trình bày, được Viện đồng ý in, cấp cho hàng vạn chiếc tem chống hàng giả về dán lên hai đầu túi thuốc.
Trả ơn cho rừng
Lý do chính đáng để Khăm Phết quyết không mở rộng sản xuất, là dù núi rừng mênh mông, song nguồn thuốc quý đang dần cạn kiệt. Ðội ngũ trai làng hái thuốc thuê cho Khăm Phết phải đi ngày càng xa, có khi tới vài trăm cây số mới tìm đủ lượng cây thuốc mang về.
Hơn mười năm trước, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là ông Y Luyện Niê Kđăm đã khuyến khích Hội Ðông y tỉnh lập vườn thuốc nam, di thực dược liệu hoang dại về trồng, ưu tiên các loài thuốc quý trong bài thuốc của Vua Voi Ama Kông. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Ðức Phồi, Chủ tịch Hội Ðông y cho tôi biết: Hàng chục cộng sự là lương y, với các kỹ sư nông-lâm nghiệp đã tìm cây giống, hạt giống, trồng thử nghiệm nhiều lần vẫn thất bại.
Khăm Phết lặng lẽ mỗi năm dành dụm một khoản tiền, mua thêm một mảnh đất ở những vùng khác nhau, để giâm chồi, gieo hạt, trồng cây, theo dõi tỉ mỉ, cày cuốc một mình, chẳng ai biết. Vậy nên, trưa thứ bảy cuối tháng chín mới đây, khi tôi đi tìm Khăm Phết, lạc vào mảnh rẫy lạ xanh rờn thơm ngát, đụng ông lò dò chui ra giữa đám lá um tùm, hào hứng chỉ cho tôi thấy hàng chục loài dược liệu gốc đã lớn, chồi đã vươn cành non mướt trong khu vườn bí ẩn này.
Ðây sẽ là di sản tuyệt vời để Khăm Phết trả ơn núi rừng, gìn giữ cho thế hệ mai sau...
Hiếm có ông chồng nào trọng vợ như Khăm Phết. Trái ngược với ông bố Ama Kông có 4 bà vợ và vô số nhân tình, Khăm Phết tối nào vui chơi ở đâu cũng dành bụng về nhà ăn cơm với vợ. Cho dù quá nửa đêm về sáng, bà vợ H'Oen hiền hậu, thuận thảo vẫn vui vẻ sắp mâm bát chờ chồng cùng ăn, trước khi cùng lên giường ngủ.
Quý nhau từ lâu, Khăm Phết vẫn nhiều lần khiến tôi bất ngờ trước những sáng kiến khác thường, và cực kỳ hào phóng! Chia sớt lương thực, chữa bệnh miễn phí, cho người nghèo cả tiền và đất làm nhà, trao học bổng cho trẻ nghèo hiếu học hiếu thảo, ngay từ khi chưa giàu có gì. Với ông đó là việc làm thường xuyên, không cần suy tính. Khăm Phết tâm sự: Trước kia nhà mình nghèo tới nỗi con trai cả bị bệnh nặng, không đủ tiền chạy chữa, nên cháu mất sớm. Bây giờ làm gì được giúp người nghèo, vợ chồng mình làm hết!
Sau lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2013, Khăm Phết gọi tôi: Xưa nay toàn thấy người Kinh tặng nhà tình thương cho đồng bào dân tộc. Bây giờ tôi muốn ngược lại: người dân tộc tặng nhà cho người Kinh. Chị coi nhà ai rách nát, không có tiền sửa, thì bảo Khăm Phết nhé! Căn nhà gạch xây dở từ lâu chưa xong sâu hút trong con hẻm nhỏ cùng xã Ea Tu của một đôi vợ chồng làm nghề phụ hồ được chọn nhận 40 triệu đồng hỗ trợ của Khăm Phết, là toàn bộ số tiền lãi ông bán thuốc trong lễ hội cà phê.
Vài tháng sau ông lại gọi tôi: Chị có quen ai bên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không? Tôi nghĩ nên tặng bảo tàng đó nguyên cả bộ đồ nghề săn voi của Vua Voi, vì họ biết cách bảo quản lâu dài bộ sưu tập rất quý này. Tôi muốn cả thế giới cùng được nhìn thấy, và hiểu biết về văn hóa của người M'Nông-Lào ở Buôn Ðôn.
Nghe tôi báo tin, lãnh đạo bảo tàng mừng rỡ. Ngày 15/2/2014, tại nhà riêng Khăm Phết Lào ở buôn Ko Tam diễn ra một nghi lễ đặc biệt. Phó giáo sư tiến sĩ Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cùng các chuyên gia tháp tùng vô cùng xúc động khi tiếp nhận bộ đồ nghề săn bắt voi rừng hơn 20 món. Trong đó đa số vật dụng cổ xưa hơn một thế kỷ, do người thừa kế chính thức của gia tộc Vua Voi tự tay trao. Giáo sư Trọng cho biết: Lần đầu tiên tại nước ta, có trường hợp một gia tộc đồng bào dân tộc thiểu số hiến trọn vẹn cho bảo tàng một bộ sưu tập quý giá đến thế này!
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng Khăm Phết Lào các vách tường đều treo kín bằng khen, cúp vàng, tượng vàng, ảnh chụp với các vị lãnh đạo, hàng trăm giấy chứng nhận thương hiệu và lời cảm ơn. Ông làm từ thiện khắp trong ngoài tỉnh, ra tận Thái Bình, Côn Ðảo, An Giang, Phú Quốc, tặng cả nghìn đô Mỹ cho người nghèo ở nước Lào quê mẹ. Còn việc sửa nhà, vợ chồng ông nhất trí vay tiền ngân hàng - Mình sẽ trả được mà, chả sao hết!