Khám phá bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu

0:00 / 0:00
0:00
20 dân tộc cùng sinh sống với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số, Lai Châu là mảnh đất đa dạng gam màu văn hóa, tạo sức hút độc đáo cho du khách trong và ngoài nước đến với miền sơn cước này.

Lai Châu - kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc.

Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều có những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo được thể hiện qua trang phục truyền thống, không gian kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, các nghề truyền thống, ẩm thực và văn hóa văn nghệ.

Đặt chân đến mảnh đất Lai Châu, khách du lịch bị thu hút bởi những bộ trang phục truyền thống rực rỡ được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ. Mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống đặc trưng nhưng đều rực rỡ sắc màu, được làm trên nền vải dệt tự nhiên. Mỗi đường chỉ thêu, họa tiết đều gói ghém bề dày của thời gian, thể hiện góc nhìn của các dân tộc về đời sống như: chiếc váy xòe với vô số những nếp gấp của dân tộc Mông; những bộ trang phục sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, trắng, đen của các cô gái Hà Nhì hay bộ trang phục có đầy đủ yếm, khăn, áo và thắt lưng của người Dao…Chỉ cần khoác lên người bộ trang phục lộng lẫy của các dân tộc đứng giữa không gian “tiên cảnh" của núi rừng Lai Châu là du khách đã có những bức hình check in đẹp chất ngất.

Khám phá bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu ảnh 1

Trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì

Kiến trúc nhà ở của các dân tộc Lai Châu cũng có sự đa dạng và độc đáo: nhà sàn của dân tộc Thái bên dòng Mường So (huyện Phong Thổ), nhà sàn dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), nhà trình tường dân tộc Dao (xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ)…Mọi đồ dùng, vật dụng hay từng ngóc ngách của căn nhà đều mang giá trị văn hóa, phản ánh tư duy mỗi dân tộc.

Để có thể khám phá trọn vẹn về nét văn hóa đặc sắc của Lai Châu, du khách phải hòa mình vào các lễ hội văn hoá nơi đây, cùng đắm chìm vào các làn điệu dân ca, tưng bừng cùng các nhạc cụ dân tộc thú vị. Mảnh đất Lai Châu có vô số các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, tết thanh minh, tết nguyên tiêu, tết cơm mới …và các lễ hội văn hóa đặc sắc như: lễ hội Kin Pang then, lễ hội Nàng Han, lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu…Đây cũng chính là thế mạnh để thu hút và giữ chân khách thập phương đến với Lai Châu.

Khám phá bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu ảnh 2

Lai Châu có nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật

Chưa hết, Lai Châu còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh. Trong đó, (21) di tích đã được xếp hạng. Kho tàng đồ sộ về cả văn hoá vật thể và phi vật thể đã tạo nên bức tranh văn hoá Lai Châu nhiều màu sắc, đa dạng nhưng vẫn mang sắc thái riêng khác biệt.

Bảo tồn văn hóa song song với phát triển kinh tế

Các văn hóa vật thể từ ẩm thực, trang phục, kiến trúc đến các văn hóa phi vật thể như các điệu múa xòe, hát Then, các lễ hội, diễn xướng…vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, Lai Châu luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc.

Khám phá bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu ảnh 3

Cổng làng độc đáo tại Sin Suối Hồ

Trước mắt, Lai Châu tập trung phát triển một số điểm du lịch cộng đồng, khai thác phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, bao gồm: Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái; bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông; bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) gắn với trải nghiệm du lịch Dao; bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) gắn với dân tộc Giáy; bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) gắn với dân tộc Lự.

Tiếp tục gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Tỉnh cũng tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng, bảo tồn các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc có nguy cơ mai một và duy trì thường niên. Điển hình như: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; Lễ mừng cơm mới của người Si La; lễ hội Hạn khuống và lễ hội nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường…

Khám phá bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu ảnh 4

Các lễ hội văn hóa nghệ thuật Lai Châu thu hút đông đảo người tham gia

Nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá của các dân tộc ít người, Lai Châu sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 vào tháng 11 tới đây, với sự tham gia của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại 12 tỉnh trên cả nước. Sự kiện này hứa hẹn là nơi giao lưu, giới thiệu đặc trưng văn hoá hấp dẫn cho khách du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức bảo tồn và phát triển các nét văn hoá cho các dân tộc.

Gắn liền với gìn giữ các nét đẹp văn hoá, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc, Lai Châu cũng không ngừng phát triển hạ tầng giao thông từ sân bay, đường bộ, cửa khẩu…kết nối các khu vực trong tỉnh và liên tỉnh. Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã tạo nên những cung đường nối niềm vui, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế cho mảnh đất Lai Châu. Việc di chuyển, đi lại của khách du lịch cũng trở nên thuận tiện hơn, từ đó kích cầu du lịch phát triển.

Phong cảnh thiên nhiên hữu tình cùng với bản sắc văn hoá độc đáo là “điểm hút" khách thập phương đến với Lai Châu. Với sự đầu tư đồng bộ, toàn diện và bền vững của Lai Châu, du lịch đang từng bước trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh và là điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.