Chiều 1/10, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp UBND TP. Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thủ đô Hà Nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - kiến trúc và phát triển đô thị, 1954-2024”, nhìn nhận những thành tựu của công tác quy hoạch Thủ đô, nhận diện các cơ hội và thách thức, từ đó đánh giá các cơ hội, tiềm năng và giải pháp để tạo sức bật mới, thúc đẩy Thủ đô trở thành thành phố “Văn hiến-Văn Minh-Hiện đại”.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, Hội thảo là chương trình ý nghĩa để kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, có ý nghĩa quan trọng để tôn vinh Hà Nội, để thấy Hà Nội đã thay đổi thế nào trong công tác quy hoạch suốt 70 năm qua. Và chúng ta đã đóng góp trí tuệ, công sức thế nào để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Quang cảnh hội thảo. |
Hà Nội đã thực hiện nhiều quy hoạch trong suốt 70 năm qua, trong đó Quy hoạch 1259 - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch mang ý nghĩa cho Hà Nội xứng tầm là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới.
Những đột phá trong công tác quy hoạch là tiền đề để Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là tiền đề để thành phố kiến tạo động lực phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, của vùng và của quốc gia.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó đã đề ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô trong giai đoạn trước mắt và lâu dài...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đồ án đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới như: Xây dựng 5 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô; xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi; xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía Nam thành phố…
Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Phát biểu tham luận, TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam cho rằng, Hà Nội là thành phố di sản quan trọng. Vì vậy, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc đô thị, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống và kinh tế đô thị. Tái phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng. Đặc biệt, phải xem xét khai thác không gian phát triển dọc sông Hồng như một trục phát triển sinh thái của Hà Nội.
Cùng quan điểm khai thác sông Hồng, KTS Marco Buinhass, Giám đốc thiết kế Công ty tư vấn Quốc tế enCity đánh giá, Hà Nội cần sử dụng và phát huy giá trị bãi giữa sông Hồng. Những dòng sông, đặc biệt là sông Hồng sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp những thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của một Hà Nội xanh và sinh thái.
Chuyên gia này nêu ra “phác đồ” 3 bước gồm tái sinh hệ sinh thái, tái hợp con người với dòng sông và tái tạo cơ hội. Theo đó, phục hồi sinh thái là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội. Đồng thời, cần xem xét một hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng không có rào cản để đảm bảo khả năng tiếp cận toàn diện và sự hòa nhập đô thị thích hợp, có ý nghĩa của hệ thống đê sông Hồng.
KTS Marco Buinhass nhận định, việc kết nối và khả năng tiếp cận cũng sẽ đóng một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tương lai của trục phát triển trung tâm mới, xem xét các hệ thống giao thông chạy từ Bắc xuống Nam, sẽ kết nối với đường thủy, tuyến xe buýt và hành lang giao thông mềm, góp phần xóa bỏ sự ngăn cách vật lý giữa tả ngạn và hữu ngạn của hệ thống đê, song song với sông Hồng.