Khai hội Chùa Hương: Vẫn ngập tràn tiền lẻ

Tranh nhau đặt tiền lễ ở Chùa Hương
Tranh nhau đặt tiền lễ ở Chùa Hương
TP - Ban Tổ chức lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2014 cho biết, riêng trong ngày khai hội Chùa Hương hôm qua đã có khoảng 5 vạn lượt du khách đến với Chùa Hương, nơi được xem là quần thể văn hóa - tôn giáo lớn của Việt Nam với hàng chục ngôi chùa thờ Phật có lịch sử lâu đời...

Môi trường sạch, thông thoáng hơn

Từ tờ mờ sáng qua, hàng vạn du khách thập phương đã tấp nập trẩy hội Chùa Hương. Thời tiết ấm áp nên nhiều gia đình đưa cả người già và trẻ em cùng hành hương về với đất Phật. Dọc trên suối Yến, du khách hành hương còn được thưởng thức cả cà phê, trà đá và nghe hát chầu văn “lưu động” từ một số chiếc thuyền nhỏ.

Từ điểm đón khách đầu tiên cho đến các điểm chùa dừng chân dâng hương của du khách năm nay đã thông thoáng hơn. Hàng quán kinh doanh được bố trí hợp lý không gây ùn tắc lâu trên các tuyến chính. 

Dọc hai bên bến đò tại suối Yến và trên các tuyến trong khu vực di tích đều được đặt các thùng thu gom rác. Hệ thống loa của Ban Quản lý di tích cũng thường xuyên nhắc du khách cần tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, đề phòng kẻ gian. Nhiều tuyến đường, bãi đỗ xe phục vụ cho khu vực di tích đã được đầu tư, nâng cấp góp phần tạo sự thông thoáng cho lễ hội.

Ban Tổ chức lễ hội cho biết, riêng trong ngày khai hội mồng 6 Tết đã có trên 5 vạn lượt người trẩy hội Chùa Hương, nâng tổng số lượt người đến với lễ hội từ ngày mồng 2 Tết đến nay lên đến 16 vạn lượt du khách, tăng 6.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến số người về dự lễ hội từ nay cho đến rằm tháng 3 âm lịch sẽ lên đến khoảng 1,4 triệu lượt người. 

Tổng số lượng đò tham gia phục vụ lên tới 4.500 chiếc đủ loại. Ngoài giá cáp treo năm nay tăng từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/người/lượt, còn lại giá vé danh thắng vẫn giữ nguyên 50.000 đồng/người, giá vé đi đò 35.000 đồng/người/lượt. 

Tình trạng kinh doanh kiểu chặt chém gây bức xúc dư luận trong các mùa lễ hội trước cũng đã được xử lý dứt điểm. “An ninh trật tự được đảm bảo. Từ ngày mồng 2 Tết đến nay chưa xảy ra vụ việc hay tai nạn lớn nào” - ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nói.

Tiền bay trên suối Giải Oan

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích.

Theo ghi nhận của nhóm PV Tiền Phong, tại nhiều điểm đền, chùa, tình trạng người dân rải tiền lên các ban thờ vẫn diễn ra phổ biến. Các nhóm bạn trẻ ngồi trên cabin cáp treo vẫn đua nhau rải tiền khi đi qua suối Giải Oan.

Ngay tại chùa Thiên Trù, mặc dù Ban Tổ chức đã bố trí bàn tiếp nhận công đức, có người thu gom tiền trên các ban thờ cho vào hòm công đức nhưng lượng người rải tiền lẻ khi dâng hương, lễ Phật cũng không vì thế mà giảm đi. Những ban thờ chính chỉ chưa đầy chục phút là đã bộn cả tiền lẻ trên khay.

Tiếp sức cho tình trạng này là dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động khá rầm rộ. Nhiều xe ô tô đưa khách vào lễ hội đã bị lực lượng này quây kín tứ bề. Đại diện Ban Tổ chức thừa nhận tình trạng này và cho biết đây là thói quen chưa tốt của người dân kéo dài qua nhiều năm nên vẫn chưa thể bỏ được ngay. “Chúng tôi đã tuyên truyền vận động nhưng chưa thay đổi được”- anh Nguyễn Tự Huy, cán bộ thuộc Ban quản lý di tích cho hay.

Mặc dù giá vé đi cáp treo đã tăng lên thêm 20.000 đồng/1 vé nhưng chất lượng dịch vụ tại đây còn hạn chế, bị nhiều du khách phàn nàn. Liên tục từ khoảng 8 giờ sáng cho đến đầu giờ chiều ngày khai hội, tình trạng ùn tắc tại khu vực lên cáp treo liên tục xảy ra. 

Nhóm PV Tiền Phong sau nhiều giờ chờ đợi mệt mỏi, nhích từng bước trong thời tiết nóng nực mới lên được cáp treo. Tại khu vực lễ hội, trừ một số loại giá vé nêu trên còn lại hầu hết các dịch vụ khác đều không niêm yết giá, người mua phải tự mặc cả. 

Tại các cửa hàng ăn uống phục vụ du khách, năm nay vẫn có tình trạng treo thịt động vật nguyên con nhưng đã được các nhà hàng sử dụng tủ kính bảo quản. Giá cả các loại hình dịch vụ vẫn đắt đỏ, cụ thể giá vé gửi xe máy từ 20.000 - 30.000 đồng/xe; ô tô 50.000 đồng/xe; bún, phở giá từ 40.000 - 50.000 đồng/bát…

* Tại Ninh Bình, ngày 5/2 (mùng 6 Tết), chùa Bái Đính (Gia Viễn) khai hội đầu năm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với các tăng ni, Phật tử, đông đảo nhân dân, khách thập phương trong và nước ngoài đã dâng hương, tham gia nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an. Dịp này, tỉnh Ninh Bình tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo khách mua hàng, điều tiết giao thông…

* Tại Hà Nội, sáng 5/2, tại đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh), diễn ra Lễ kỷ niệm 1974 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã tới dự. Tại Khu du tích đền Sóc Sơn, lễ hội Gióng diễn ra tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự. Cùng ngày cũng diễn ra lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) nhằm tri ân công đức vua An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

* Trong hai ngày 4- 5/2, tại Hà Giang, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các xã Ngọc Đường, Phương Tiến, Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang tưng bừng mở hội Lồng Tồng (xuống đồng). Tất cả các gia đình trong bản đều tham gia làm lễ với gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng…

* Tại Phú Tho, sáng 5/2, đông đảo người dân ở xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn) nô nức trẩy hội Tết Doi. Đây là hội cầu mùa, hội xuống đồng của người Mường địa phương.

* Sáng 5/2, tại Hải Dương, ở đền thờ Thầy giáo Chu Văn An, núi Phượng Hoàng (xã Văn An, huyện Chí Linh) đã diễn ra lễ khai bút đầu Xuân nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, đạo nghĩa thầy trò…

* Tại Thái Nguyên, sáng qua người dân nô nức kéo về huyện Phú Lương để tham dự lễ hội Xuân đền Đuổm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của nước Đại Việt dưới các triều vua Lý.

Trường Phong
tổng hợp
MỚI - NÓNG