Khắc phục tình trạng tiếp xúc ‘đại cử tri’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”.

Sáng 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tổng kết về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cử tri và nhân dân cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Kết quả cho thấy, HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 người giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, gồm: 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch; thành lập 227 Ban.

Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2026 đến nay, HĐND cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 Nghị quyết, đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 Nghị quyết (không kể các nghị quyết về công tác cán bộ), tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra...

Cụ thể, số nghị quyết được ban hành ở một số tỉnh như: Nghệ An (35), Lai Châu (38), Hà Nội (40), Tuyên Quang (46), Trà Vinh (58), Cao Bằng (59), Hà Nam (67), Tiền Giang (68), Đắk Nông (162), Gia Lai (179), Thừa Thiên Huế (169), Thanh Hóa (190), …

Theo đánh giá, HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động như coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra; tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp; đề cao vai trò của Thường trực HĐND trong công tác điều hoà, phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các Ban; áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp, tài liệu được gửi đến đại biểu HĐND sớm có thời gian nghiên cứu đã góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, ….

"Năm 2021 mặc dù dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021", bà Thanh nêu.

Khắc phục tình trạng "tiếp xúc đại cử tri"

Trong định hướng phương hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, theo bà Thanh, phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là nội dung hoạt động và công tác tổ chức và cán bộ, trong đó cần quan tâm nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn phòng giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, giúp hoạt động của HĐND được nâng lên rõ nét.

Tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội hoàn thiện thể chế, thông qua giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương, việc ban hành nghị quyết có chứa nội dung quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh.

Cùng với đó, báo cáo với cấp ủy để HĐND xây dựng kế hoạch định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết hằng năm. Nghị quyết cần được xây dựng theo quy định của pháp luật, Nghị quyết đại hội Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương.

Nghị quyết khi được ban hành phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ với chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Một định hướng nữa là tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động, trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, UBMTTQVN tỉnh; công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”; chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND đảm bảo đúng quy định và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch tại địa phương...

Để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ căn cứ các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách như: hướng dẫn hoạt động của HĐND, Quy chế hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND...để hỗ trợ hoạt động của HĐND các cấp phát huy hiệu quả, nhất là đối với các địa phương đang áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Cùng với đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hoạt động của HĐND, thông qua hình thức tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động hằng năm của HĐND cấp tỉnh; tham dự các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, các Hội nghị Thường trực HĐND cấp tỉnh ở 6 khu vực trong cả nước nhằm chủ động nắm bắt những vấn đề mới, phát sinh để có giải pháp xử lý những kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án và ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động HĐND các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp; đề án và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần giúp hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nâng cao chất lượng, hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.