Theo hãng thông tấn Nga TASS, trong ngày 30/11, máy bay ném bom Su-34 của Nga đang tham chiến tại Syria đã được trang bị các tên lửa không đối không bên cạnh bom hàng không trong các phi vụ không kích IS.
Phát ngôn viên Không quân Nga, Đại tá Igor Klimov cho biết: “Máy bay ném bom Su-34 của Nga ngày 30/11 lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ không chỉ mang theo bom OFAB-500 và bom có điều khiển KAB-500, mà còn có các loại tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung. Đây là những trang bị cần thiết để máy bay Nga tăng cường khả năng tự bảo vệ trên không”.
Việc trang bị cho Su-34 tên lửa không đối không được thực hiện sau khi xảy ra vụ máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga trên biên giới Syria – Thổ. Ảnh: Cán bộ kĩ thuật Nga đang kiểm tra quả đạn tên lửa đối không R-73 dẫn đường hồng ngoại, tầm bắn 20-30km.
Ngay lập tức, phía Mỹ đã có phản ứng sau khi biết tin Su-34 mang tên lửa không đối không. Theo lập luận của phía Mỹ, phiến quân IS không có lực lượng không quân, nên việc Su-34 tham chiến tại Syria mang theo tên lửa không đối không là không cần thiết. Bên cạnh đó, Lầu Năm góc cũng kêu gọi phía Nga tuân thủ thỏa thuận an toàn bay và tránh va chạm trên không mà hai bên đã ký.
Su-34 là dòng máy bay ném bom thế hệ mới nhất của Nga, phát triển trên cơ sở mẫu Su-27. Nó được thiết kế để mang đến 8 tấn vũ khí thực hiện các nhiệm vụ không kích mục tiêu mặt đất, mặt biển bằng vũ khí chính xác cao.
Dẫu vậy, Su-34 vẫn có khả năng mang các loại tên lửa không đối không hiện đại như R-73, R-27 và thậm chí là R-77 (trang bị đầu dẫn radar chủ động).
Ảnh: Su-34 chuẩn bị cất cánh thực hiện phi vụ không kích IS với bom hàng không KAB-500Kr và tên lửa không đối không R-73 và R-27.
Trong đó, R-27 là loại tên lửa không đối không tầm trung - xa hiện đại của Không quân Nga hiện nay. Nó được phát triển với hai biến thể chính gồm: R-27R (dùng đầu tự dẫn radar bán chủ động, tầm bắn hiệu quả 2-42,5km, tối đa 73km); R-27T (dùng đầu tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn hiệu quả 2-33km, tầm bắn tối đa 63km). Cả hai loại tên lửa có thể bắn mục tiêu sau đuôi với cự ly 0,7-7km.
Nga còn phát triển biến thể ER (mở rộng tầm bắn) cho phép tăng tầm R-27ER lên tới 117km và R-27ET lên 104km.
Tuy được trang bị tên lửa không đối không thuộc hàng “khủng”, nhưng cơ bản thì Su-34 vẫn là máy bay ném bom, nhiệm vụ đối không chỉ là thứ yếu. Việc mang nhiều vũ khí làm tăng tải trọng, giảm sự cơ động – yếu tố sống còn trong không chiến với tiêm kích như F-16.
Theo báo QĐND Online, nhìn nhận lại sự việc máy bay Su-24 của Nga bị máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, ngoài yếu tố bất ngờ, máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng tốc độ cơ động chiếm lĩnh vị trí thuận lợi phía sau máy bay Su-24 của Nga.
Tiếp đó, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng kênh khóa mục tiêu quang-hồng ngoại (yếu tố không hệ thống cảnh báo sớm nào trên máy bay chiến đấu có thể nhận diện được) và phóng tên lửa bắn rơi máy bay Su-24.
Thực tế với khoảng cách tới 20km, đạn tên lửa bay với tốc độ gấp 2-3 lần tốc độ âm thanh (Mach 2-3) và đầu dò hồng ngoại đa kênh (không bị ảnh hưởng bởi mồi bẫy nhiệt và đèn nhiệt hồng ngoại) của các dòng tên lửa không đối không tầm ngắn như AIM-9X Sidewinder hay Vympel R-73EM, thì cơ hội sống sót của máy bay bị tấn công gần như không còn. Điều này đúng với không chỉ máy bay Su-34, mà cả với các dòng máy bay tiêm kích hiện đại.
Dẫu sao, Su-34 mang vũ khí không đối không tham chiến tuy không phải là phương án tối ưu như việc điều máy bay tiêm kích Su-30SM hay Su-27SM theo hộ tống, nhưng đây cũng là tín hiệu cảnh báo máy bay đối phương về khả năng bị đánh trả. “Một mục tiêu” được vũ trang bao giờ cũng “khó nhằn” đối với lực lượng máy bay thù địch.