Kêu lương thấp, thẩm phán bỏ nghề tìm công việc mới thu nhập tốt hơn

TPO - “Ở một số tòa án đã có thẩm phán xin thôi việc theo nguyện vọng để tìm những công việc mới thu nhập tốt hơn”, TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho hay.

Cuộc sống khó khăn vì thiếu...nhà công vụ

Sáng 14/12, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao cùng Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc – UNDP tổ chức hội thảo, lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Đại diên nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, trong hệ thống TAND được tổ chức theo 4 cấp, gồm: TAND Tối cao, 3 TAND cấp cao, 64 TAND cấp tỉnh và 710 tòa cấp huyện. Nếu theo thẩm quyền xét xử, hệ thống TAND có thể phân chia thành 773 tòa án cấp sơ thẩm, 66 tòa phúc thẩm và 4 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Về nhân sự, theo nguyên Phó Chánh án, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm 2 thẩm phán, đến nay số thẩm phán TAND Tối cao đã nâng lên tổng số 17 người. Trong năm 2020 này, có 3 thẩm phán nghỉ hưu, dự kiến tới đây sẽ trình Quốc hội, trình Chủ tịch nước bổ sung 3 thẩm phán thay thế.

 Đề cập đến những hạn chế, vướng mắc, TS. Nguyễn Sơn cho biết, tại thời điểm được phân bổ năm 2012, trung bình mỗi năm tòa các cấp phải giải quyết hơn 303 nghìn vụ việc. Tuy nhiên đến nay số lượng vụ việc đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2012 và dự kiến còn tiếp tục tăng.

 Đáng lưu ý, do thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, nên dù số lượng các loại vụ việc tăng, nhưng các tòa án không được tăng biên chế. “Điều này đã tạo nên tình trạng quá tải tại các TAND. Nhiều tòa án phải lên lịch xét xử vào cả ngày nghỉ để đảm bảo đúng thời hạn tố tụng”, ông Sơn cho hay.

 Ngoài bất cập về thang bảng lương, ThS. Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ TAND Tối cao còn cho rằng, vấn đề nhà công vụ cũng là một trong những trở ngại trong công tác cán bộ. “Hiện nay, TAND không có chế độ nhà công vụ, theo đó công chức khi được điều động, luân chuyển, biệt phái chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí rất nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu”, bà Hoa cho hay.

Thẩm phán e ngại vì bị đương sự tấn công

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, chế độ chính sách, tiền lương đối với thẩm phán, cán bộ công chức tòa án còn thấp, chưa tương xứng với công việc, trách nhiệm, nên chưa thực sự động viên, khuyến khích cán bộ công chức tận tâm, cống hiến và gắn bó lâu dài.

Thậm chí, ở một số tòa án đã có thẩm phán xin thôi việc theo nguyện vọng để tìm những công việc mới thu nhập tốt hơn. Theo TS. Sơn, quy định thang bảng lương của thẩm phán sơ cấp, thẩm tra viên, thư ký, chuyên viên có hệ số như nhau là chưa phù hợp, chưa xem xét đến đặc thù, vị thế của thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.

 “Trong thực tế khi thi hành công vụ, các thẩm phán, cán bộ công chức tòa án phải thường xuyên tiếp xúc nhiều với tội phạm, những mặt trái của xã hội, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị các đương sự tấn công, chống đối, cản trở việc thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, biện pháp đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, tạo tâm lý e ngại”, ông Sơn cho hay.

 Nhằm khắc phục các bất cập hiện nay, nhóm nghiên cứu đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi nghị quyết về việc phê chuẩn bộ máy giúp việc của TAND Tối cao theo hướng bỏ Báo Công lý, Tạp chí Tòa án ra khỏi các đơn vị trong bộ máy giúp việc cho phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ.

 Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị cân nhắc thành lập thêm Vụ Giám đốc kiểm tra về án hành chính thuộc bộ máy giúp việc của TAND Tối cao để đảm bảo hiệu quả, chuyên sâu trong xem xét, giải quyết văn bản yêu cầu đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về lĩnh vực hành chính.

 Về nhân sự, nhóm nghiên cứu đề nghị sửa đổi điều 66, Luật Tổ chức TAND năm 2014, theo hướng tại Tòa tối cao có thẩm phán tối cao, thẩm phán cao cấp, trung cấp để đảm bảo thu hút những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong xét xử.

 Trong khi đó, bà Đào Tú Hoa đề nghị cân nhắc với đề nghị tách Phòng tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng (TAND cấp tỉnh) thành 2 phòng. Bởi trong bối cảnh tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, việc thành lập thêm phòng là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, bà Hoa đề nghị đổi tên Phòng này thành Phòng Tổ chức cán bộ có thêm chức năng thanh tra; còn công tác thi đua khen thưởng nên đưa về Văn phòng.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.