Kết quả xét nghiệm HIV của 24 người tham gia cứu nạn tại Kon Tum

Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ngày 30/6
Hiện trường vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ngày 30/6
TPO - Xét nghiệm sàng lọc cho thấy, 24 y, bác sĩ cùng người dân phát hiện, cấp cứu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông đều có kết quả âm tính với HIV.

Ngày 3/7, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy- Giám đốc trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, cho biết: Trung tâm đã đề nghị Cục Phòng, chống HIV/AIDS bổ sung nguồn thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm, đề xuất Sở Y tế khen thưởng với lái xe Lê Văn Tùng (sinh năm 1989, ở xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, Kon Tum)-người chở các nạn nhân đi cấp cứu trong vụ tai nạn kinh hoàng ngày 30/6.

Trường hợp nạn nhân Trần Thị Mơ (51 tuổi, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum)- 1 trong 4 nạn nhân tử vong, trong vụ tai nạn giao thông trưa 30/6 bị nhiễm HIV, trong quá trình đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ.

Theo bà Thúy, xét nghiệm sàng lọc cho thấy 24 y, bác sĩ cùng người dân phát hiện, cấp cứu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông đều cho kết quả âm tính với HIV.

"Sau khi xác minh, chúng tôi đã hướng dẫn trung tâm y tế huyện Đắk Hà và người nhà xử lý thi thể nạn nhân Mơ, mai táng theo đúng quy định. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức thăm hỏi gia đình người nhiễm HIV, hỗ trợ mai táng theo quy định nguồn kinh phí của quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS năm 2017 vào ngày 2/7/2017.

Cũng theo bà Thúy, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã đề nghị cấp thuốc miễn phí cho 24 trường bị phơi nhiễm HIV, bởi, đây là tai nạn bất ngờ và ngoài ý muốn.

Với những phản ánh từ dư luận rằng trong quá trình triển khai, có một số bác sĩ từ chối cấp thuốc cho những người cứu các nạn nhân bị nghi phơi nhiễm HIV, Trung tâm đề nghị Sở Y tế làm rõ. Đồng thời, cũng đề nghị thành lập đoàn kiểm tra để xác minh sự việc trên, không bỏ sót một người nào.

Ngoài việc cấp thuốc miễn phí, Trung tâm bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng cho cả 24 trường hợp. Sau đó, tiếp tục tư vấn cho 24 người được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau 3 tháng, 6 tháng.

“Những người đã tích cực hỗ trợ trong khi đưa các nạn nhân đi cấp cứu chúng tôi sẽ đề nghị có mức hỗ trợ xứng đáng. Riêng bác sĩ từ chối cấp thuốc cho những người cứu các nạn nhân nghi phơi nhiễm HIV, Trung tâm sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm, nếu có !”- Bà Thúy khẳng định.

MỚI - NÓNG