Kéo nước núi về giúp dân giải hạn

Anh Trần Ngọc Hiếu thường xuyên lên núi dọn dẹp lá cây, đất đá đầu ống nước để đảm bảo nguồn nước luôn chảy về thôn. Ảnh: Thanh Trần.
Anh Trần Ngọc Hiếu thường xuyên lên núi dọn dẹp lá cây, đất đá đầu ống nước để đảm bảo nguồn nước luôn chảy về thôn. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Thương dân quê năm nào cũng quay cuồng vì hạn, nhà nhà bòn mót những gàu nước đục ngàu từ giếng cạn hôi mùi phèn, anh Trần Ngọc Hiếu (26 tuổi, thôn Gia Cát Tây, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam) đã lắp đặt đường ống dài hàng cây số dẫn được nguồn nước sạch dồi dào từ núi về.

Quế Phong là xã miền núi của huyện Quế Sơn, nhà dân nằm rải rác sát núi. Như lời ông Nguyễn Mậu Tráng (thôn Gia Cát Tây), thì ở đây đào giếng cũng như đánh cược, nhiều khi đào xuống tới hai chục mét vẫn trúng đá, nước không có một giọt. Mà có nước chưa kịp mừng thì đã hôi um mùi phèn. Có nhà chắt chiu cả đời chỉ đủ đào hai cái giếng, nhưng nước múc lên vẫn chẳng ngọt lành. Tiền công đào mỗi cái đến mười lăm, hai chục triệu.

Mùa nắng chưa về, lòng dân Quế Phong đã đổ lửa. Bà con “điểm mặt” những hộ có giếng tốt để chuẩn bị rủ nhau đi xin. Điểm đi điểm lại số giếng không đầy năm ngón tay. Giếng nhà nào cũng cạn, thả gàu là đụng đáy. Ông Nguyễn Văn Tám - trưởng thôn Gia Cát Tây, không quên cái đám cưới “khô rang” của con gái mình. Tổ chức đúng mùa hạn, họ hàng thân thích xắn quần đi lùng hết các giếng trong thôn để “vét sạch” nước bất kể nước đục, nước phèn. Nhưng cũng không đủ để lau dọn nhà cửa, nấu nướng, rửa chén. Xong cái đám cưới là cả xóm cũng khát theo vì nước giếng hết trơn.

Xẻ núi, kéo nước về thôn

“Nước trên núi sau lưng xã có quanh năm, rất sạch và ngọt, mỗi tội cách xa làng đến vài cây số”, Trần Ngọc Hiếu kể. Hiếu đánh liều về bàn bạc với bà con, rủ mọi người cùng kéo ống lên núi dẫn nước về làng. Thế nhưng ai cũng phản đối, vì núi xa thế, phải xây máng to dẫn nước thì họa may, nhưng tiền đâu ra …

Thuyết phục không được, anh trai làng ngày ngày lầm lũi một mình lên núi phát cây, bới đá  tìm đường chảy của nước. Đường chảy tự nhiên từ mạch đá ngầm trên núi không đổ thẳng về thôn mà bẻ qua hướng khác, Hiếu lại xẻ núi nghiên cứu con đường mới gần hơn. Thấy Hiếu quyết tâm với ý tưởng của mình, các ông Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Mậu Tráng cùng thôn quyết định sẽ góp công, góp sức cùng Hiếu.

Thời điểm ấy là tháng 5/2015, nắng chang chang, cả thôn tròn mắt nhìn bốn người già có, trẻ có vác từng bao xi măng, sắt thép, hì hục kéo ống nhựa lên núi.  Ngay mạch nước dưới  tảng đá to, họ đặt ống nhựa dẫn nước, đầu ống bọc lưới để cản rác. Theo đường ống, nước chảy về lưng chừng núi thì xả vào bể xi măng xây làm hai ngăn. Ngăn đầu tiên làm lắng sạn, cát rồi mới chuyển qua ngăn thứ hai, từ ngăn này có đường ống dẫn nước ra ngoài. Bể này bơm đầy chứa hơn hai khối nước.

Tôi lên núi cùng Hiếu để xem nguồn nước. Những con dốc dựng đứng, liên tiếp toàn đá lởm chởm. Hỏi đường ống đâu không thấy, Hiếu bảo đường ống có đoạn nằm ngoài, có đoạn phải giấu trong bụi cây để tránh bị vỡ và thuận đường về thôn. Hiếu cười: “Có mấy đoạn mình phải bò xuống, bị gai cào rách mặt mới kéo ống được, những khu này trước nay chả ai đặt chân tới cả, thành thử chẳng có lối đi. Phần lớn đường ống toàn nằm ở những chỗ hiểm trở, thế cũng hay, không lo hỏng ống”. Đến đoạn đặt bể chứa, Hiếu nói cứ vài bữa là phải lên kiểm tra một lần, sợ rác hoặc con gì chết làm ô nhiễm.

Ngay khe nước chảy dưới chân núi, hai bờ khe là đá vôi xếp từng tảng to, Hiếu ngồi xuống đưa tay gõ gõ: “Em và các bác đục đá, xây xi măng lên lấp ống, riêng đoạn qua khe thì phải khuân đá ngăn nước lại, đổ bê tông cho ống nằm ngầm ở dưới”.

Sẵn sàng đối đầu với hạn

Sau hai tháng trời xẻ núi, đào đất, kéo ống, một ngày giữa tháng 7/2015, ngay giữa đỉnh điểm của hạn hán, Hiếu và ba bác trai tuyên bố với thôn đã đưa được nguồn nước về. Những cặp mắt dò xét nay chuyển sang ngạc nhiên, có chút mừng, hy vọng. Sáng ấy, Hiếu mở vòi nước ngay nhà, dòng nước trong veo tuôn ra từ ống trong tiếng reo hò, vỗ tay của cả thôn. Bà con thay nhau vốc từng vốc nướng uống thử, rửa tay rửa chân, trẻ con tha hồ tắm táp, ai cũng khen nước mát và ngọt. Ông Tráng nói: “Từ núi về đây hơn hai cây số nhưng nước vẫn mạnh, đưa cao lên nóc nhà vẫn chảy được. Nước có quanh năm chẳng bao giờ lo thiếu”.

Mùa nắng năm ấy, xóm trên xóm dưới dẫn ống sang bốn hộ trên xin kéo nước về dùng, cả thôn nhẹ nhàng đối mặt với hạn hán. Bà Phạm Thị Lợi, vui vẻ: “Nhà tui cả mùa nắng dùng nước của nhà thằng Hiếu, bữa nào đông quá thì qua nhà ông Tráng. Nước ngon ơ, ăn uống sinh hoạt vô tư, khỏi phải vác thùng đi chực chầu múc nước đục nữa”.

Tuy nhiên, đường ống kéo từ núi về nhỏ, dù không khi nào đứt nước nhưng xả cùng lúc hàng chục nhà sẽ yếu dần. Theo Hiếu, nếu thay ống dẫn từ núi về sang loại lớn, xây bể chứa to ra thì không chỉ đáp ứng nước sinh hoạt mà còn cung cấp đủ cả nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, kinh phí thay mới không nhỏ, bà con ở xã còn khó khăn, nếu có nguồn hỗ trợ mới có thể triển khai.

Ông Võ Đình Trung, Chủ tịch xã Quế Phong, cho hay: “Xã đã khảo sát cách đưa nước về thôn của anh Hiếu và thấy đây là một mô hình rất hay, hiệu quả quá rõ ràng. Địa phương đang tìm nguồn vốn hỗ trợ thay đường ống lớn hơn để đưa nguồn nước về thôn dồi dào hơn nữa. Có nguồn nước, người dân không chỉ thoát hạn mà còn có khả năng chuyển đổi cây trồng tăng thu nhập, nhất là cây tiêu”.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.