Trước khi đêm nhạc duy nhất của Kenny G diễn ra tại Hà Nội, báo chí đưa nhiều về những điều khoản nghiêm ngặt từ trang thiết bị kỹ thuật (tốn của nhà tổ chức hàng tỉ đồng để đi thuê nước ngoài) cho đến điều kiện ăn ở (thực đơn kèm rượu vài nghìn đô, phòng thay đồ trải thảm Ba Tư…). Thực hư không biết nhưng đây sẽ là những điểm khiến tầng lớp khán giả đại gia chú ý, vì đồng điệu. Và đó chính là đối tượng mà nhà đầu tư chương trình muốn hướng đến. Sát đêm diễn lại có thông tin nói rõ những đòi hỏi khắt khe này bắt nguồn từ người quản lý của Kenny G.
Chẳng biết Kenny G khó tính đến đâu nhưng ông và ban nhạc đã chịu trình diễn dưới logo lúc nào cũng rực sáng của nhà đầu tư - một ngân hàng, treo trên đỉnh sân khấu. Ông cũng tỏ ra thân thiện với giới truyền thông và không ngại xuất hiện trên các trang báo mạng khi dạo phố cổ Hà Nội cùng bạn gái gốc Việt kém 21 tuổi. Cô rời Việt Nam lúc 2 tuổi, nói tiếng Việt bập bõm nên việc Kenny G cố gắng nói cả đoạn tiếng Việt dài trên sân khấu để cảm ơn khán giả là cố gắng đáng quý. Ông chỉ còn thiếu nước chơi một đoạn nhạc Việt Nam. Lịch lưu diễn châu Á của Kenny G kín đặc. Tối 13 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội thì tối 14 đã hòa nhạc tại Singapore. Trước Hà Nội, Kenny cũng chỉ có một ngày nghỉ sau hai đêm diễn liên tục tại Hàn Quốc.
Khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia gần như kín chỗ. Kenny chơi liền hai tiếng đồng hồ không giảm sút phong độ. Ông chỉ kịp nghỉ độ mươi phút khi người chơi bộ gõ trong ban nhạc thể hiện… vũ đạo cùng một chiếc tambourine khiến khán giả hết sức phấn khích. Kenny trình diễn cùng ban nhạc 5 người đã theo ông gần 30 năm nay. Ngoài ra ở rìa sân khấu còn có một phụ tá túc trực bên chiếc bàn như trong văn phòng cùng máy tính. Kenny hay ra hiệu cho người này. Có khi ông đến tận bàn nói gì đó, sau đó tiếng nhạc to hẳn lên.
Năm 1997 ông được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận khả năng giữ một nốt trên saxophone kéo dài tới 45 phút 47 giây. Kỹ thuật được áp dụng ở đây là thở vòng (circular breathing) tạo ra một hơi liên tục không gián đoạn bằng cách hít vào qua mũi đồng thời đẩy hơi ra qua miệng và dùng má để giữ hơi. Ngay sau bài mở màn đêm diễn tại Hà Nội, Kenny đã tái hiện một phần kỷ lục này: Trong tầm 4 phút, một tay cầm kèn thổi nguyên cao độ, tay kia vẫy chào, bắt tay hàng loạt khán giả. Khán phòng thực sự được hâm nóng sau “hơi thở” này.
Khán giả, nhất là nữ, có thêm một lý do để thấy Kenny đặc biệt. Đó là thân hình thanh mảnh, má hóp - đối lập với hình dáng thường thấy cũng những nghệ sĩ saxophone (ít ra là ở Việt Nam). Dù gì ông vẫn giữ sở thích chơi golf và lái máy bay. Ở tuổi ngấp nghé 60, mỗi sáng thức giấc ông vẫn dành 3 tiếng để tập kèn. “Tôi không bao giờ nghĩ về thành công đã đạt được mà chỉ nghĩ mình là một nhạc công saxophone vẫn đang theo đuổi sự nghiệp, muốn chơi ngày một hay hơn,” ông nói.
Dòng nhạc êm tai mà Kenny G tạo nên có tác dụng thư giãn và gây nghiện khá cao. Tuy nhiên ở đêm diễn Hà Nội, Kenny mạnh dạn chơi một số bài thiên về jazz trong album vừa phát hành. Ông cũng không ngại trình diễn đĩa đơn phát hành năm 1999 What a wonderful world cùng phần ghi âm của giọng ca huyền thoại Louis Armstrong. Đây là bài gây tranh cãi nhất của Kenny G. Luồng phê bình chủ đạo: Tài năng ngẫu hứng của Armstrong (cũng chơi kèn trumpet) thì ai cũng rõ rồi, trong khi tầm hiểu biết sâu rộng về jazz kinh điển của Kenny G vẫn còn là dấu hỏi, vậy thì hai người đừng nên đặt cạnh nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng với việc làm này, Kenny G giúp jazz kinh điển tiếp cận đại chúng nhiều hơn. Gì thì gì, Kenny G cũng là nghệ sĩ chơi nhạc cụ bán chạy nhất thời nay với 75 triệu đĩa đã được mua trên toàn cầu kể từ 1982.