Đây là một nội dung mới của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Đảng về nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, cũng như “triệt tiêu” tính hình thức, tồn tại trong việc thực hiện kê khai tài sản.
Giao cơ quan độc lập giám sát, xác minh tài sản, thu nhập
Theo cơ quan soạn thảo, một trong những điểm hạn chế của luật hiện hành khiến cho việc kê khai rất hình thức, không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, đó là việc giao cho cơ quan của người có nghĩa vụ kê khai quản lý bản kê khai, thực hiện xác minh tài sản, thu nhập.
Để khắc phục tồn tại này, dự thảo luật đã “giao” trách nhiệm quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập cho cơ quan có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Điều này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo quy định của Điều 41 - Dự thảo Luật PCTN sửa đổi thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại nơi không có cơ quan thanh tra; Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Thanh tra tỉnh. Bên cạnh đó, những cơ quan này sẽ kiêm luôn việc quản lý bản kê khai tài sản.
Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại các Ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước…
Công khai xử lý tài sản kê khai không trung thực
Để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, Dự thảo cũng bổ sung các quy định về xử lý các hành vi vi phạm đối với người kê khai, gồm: vi phạm về thời hạn trong minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập; không trung thực trong minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập và các hành vi vi phạm khác...
Mặt khác, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý cũng sẽ bị xử lý bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch.
Còn nếu không giải trình được một cách hợp lý thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.
Ngoài ra, Dự thảo quy định: kết quả xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực phải được công khai.
Dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh cho rõ ràng hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Ngoài công chức, viên chức thì cả những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cũng được đưa vào diện phải thực hiện kê khai.