Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, trường hợp góp vốn điều lệ của Cty Hiển Vinh là ví dụ rõ ràng về sự gian dối. Như báo Tiền Phong nêu, ông Cao Văn Xứng góp vốn vào Cty Hiển Vinh bằng quyền sử dụng lô đất 7.380m2 tại phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Lô đất này, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Cty TNHH Hưng Phát, không cấp cho cá nhân ông Xứng. Cty Hưng Phát đã thế chấp lô đất đó để bảo lãnh tiền vay, mặt khác năm 2003 Cty Hưng Phát đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (CNĐKKD), không còn tồn tại. Cả Cty Hưng Phát do vợ chồng ông Xứng lập ra và cá nhân ông Xứng đều không có quyền sử dụng lô đất này, nó không thể là tài sản của ông Xứng, để ông ta có thể dùng nó góp vốn vào Cty Hiển Vinh.
Theo ông, việc Cty Hiển Vinh ký hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp khác có trái pháp luật?
Cty Hiển Vinh không chứng minh được năng lực tài chính, có sự gian dối trong việc góp vốn, nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, các hợp đồng hợp tác đầu tư mà Cty Hiển Vinh ký có trái pháp luật hay không.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, Cty Hiển Vinh sẽ góp vốn vào doanh nghiệp có dự án đầu tư bằng giá trị sở hữu cổ phần phổ thông của Cty Hiển Vinh, doanh nghiệp đối tác phải chuyển đổi CNĐKKD, đưa tên Cty Hiển Vinh vào, còn chính doanh nghiệp đó sẽ thành doanh nghiệp thành viên của Cty Hiển Vinh. Ông đánh giá thế nào về những nội dung đó?
“Có xã thấy cách làm từ thiện của Rừng Toàn Cầu không minh bạch, nên không cung cấp cho họ danh sách người nghèo cần hỗ trợ, thì bị dân kéo đến UBND xã chất vấn. Họ nói, tại sao xã kia ký, xã mình không ký, các ông không giúp được dân thì để người ta giúp dân, sao lại cản? Còn nếu đó là đối tượng lừa đảo, sao các ông không bắt giam nó đi? Rất phức tạp, khó xử cho cán bộ địa phương”.
Một cán bộ Công an tỉnh Khánh Hòa kể
Lạ đời. Ông Hiển Vinh xin góp vốn đầu tư vào dự án của người ta, ông phải là thành viên của người ta, sao lại buộc người ta phải làm thành viên của mình! Tôi được biết, Cty Hiển Vinh và các Cty khác thuộc tập đoàn Rừng Toàn Cầu không có chức năng hoạt động tài chính, chưa được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt cho phép thực hiện các hoạt động phát hành cổ phiếu. Việc họ bán cổ phần cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân, làm từ thiện bằng cách cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần với mệnh giá hàng tỷ đồng là hành vi trái pháp luật. Nếu họ lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp, không có vốn mà quảng bá là có vốn ngàn tỷ đồng, làm cho các đối tác tin tưởng ký các hợp đồng hợp tác, rồi dùng các hợp đồng đó để tiếp tục khuếch trương năng lực tài chính, thì đó là hành vi gian dối, có dấu hiệu lừa đảo.
Ông vừa nói về kẽ hở của Luật Doanh nghiệp?
Kẽ hở cực lớn. Không có chế tài mạnh với hành vi khai vống vốn và không góp đủ vốn điều lệ. Ai cũng thấy họ làm ăn gian dối, mà không thu hồi được giấy phép kinh doanh của họ, đó là cái dở, cực kỳ dở của Luật Doanh nghiệp. Nếu cứ để họ hoạt động như thế này, thiệt hại về đầu tư, sản xuất kinh doanh, về an ninh trật tự xã hội và những hậu quả pháp lý khác không thể lường hết được.