Kể chuyện biển Đông bằng tranh cát động

Kể chuyện biển Đông bằng tranh cát động
TP - Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần gần đây, hơn 10 clip tranh cát động về biển đảo như Hướng về biển Đông, Mẹ kể con nghe, Tổ quốc nhìn từ biển, Bâng khuâng Trường Sa, Trường Sa ca, Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa, Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa… đã được đưa lên mạng và gây xúc động mạnh.

Chỉ với những clip dài chừng 2 phút, những bức họa về tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc đã được thể hiện tinh tế dưới ngón tay tài hoa của các họa sỹ tranh cát động Việt Nam.

Người sở hữu nhiều bức tranh cát động về tình yêu biển đảo thuộc về họa sỹ Lê Phong Giao, biên tập viên truyện tranh của Nhà xuất bản Trẻ. Họa sỹ Lê Phong Giao cho biết, bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, anh đã thực hiện bức tranh Hướng về biển Đông trên nền nhạc bài hát cùng tên của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung, do ca sỹ Đinh Khải Anh hát.

Không ngờ, clip vừa đưa lên mạng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem. Ngay lập tức, họa sỹ Giao được Đài truyền hình VTC đặt hàng. Không những thế, anh còn được đài hỗ trợ phần thu âm và đọc thơ, nếu anh lấy ý tưởng từ một bài thơ. Và thế là, bức tranh cát Mẹ kể con nghe (thơ Dương Phạm), Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến) đã được ra đời. Rồi các clip tranh cát động Bâng khuâng Trường Sa, Trường Sa ca, Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa lần lượt ra đời trong vòng chưa đầy hai tuần.

Kể chuyện biển Đông bằng tranh cát động ảnh 1

Mẹ kể con nghe - Lê Phong Giao

Vốn là người đam mê tranh cát động, họa sỹ Giao chỉ muốn thể hiện giải tỏa những bức xúc của mình về vấn đề biển đảo, không ngờ đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ mạnh mẽ của người xem.

Nếu ai đã từng xem chương trình Vietnam’s Got Talent năm 2012, sẽ nhận ra anh chính là người tham gia chương trình này cùng con gái và anh đã thể hiện tài vẽ tranh cát của mình. Tuy chỉ lọt vào đến vòng ba, nhưng niềm say mê thể loại tranh này khiến anh không bỏ cuộc.

Ban ngày anh vẫn làm việc tại Nhà xuất bản, đêm về hì hụi vẽ đến 1- 2 giờ sáng. Hiện nay, họa sỹ Giao đang khá đắt sô khi nhận được nhiều lời mời cộng tác vẽ tranh cát động cho một số đài truyền hình, trong đó có chương trình “Búp sen xanh” của đài HTV4, “Khai tâm truyện” của Truyền hình An Viên…

“Hiện tôi vẫn theo dõi sát tình hình biển Đông và giàn khoan 981, nếu có tình hình gì mới, tôi sẽ tiếp tục vẽ với những thông điệp mạnh mẽ hơn.”

Họa sỹ lê Phong Giao

Họa sỹ Giao tiết lộ, để có được hai phút clip tranh cát động, anh đã phải làm việc trong suốt hai giờ đồng hồ. Chỉ với chiếc camera HD Sony 3D, anh đã quay lại toàn bộ quá trình vẽ tranh, sau đó anh biên tập bỏ các chi tiết thừa. Số tiền nhuận bút các clip tranh cát động thực hiện cho Đài truyền hình VTC về vấn đề biển Đông, họa sỹ Giao nhờ đài chuyển giúp vào quĩ ủng hộ

Trường Sa.

Cũng trong thời điểm này, clip tranh cát động “Tổ quốc gọi tên mình” của họa sỹ Trí Đức, tác giả của nhiều clip vẽ tranh cát nổi tiếng cũng khiến cho cư dân mạng hết sức xúc động.

Bức tranh cát của họa sỹ Trí Đức dựa theo câu chuyện bảo vệ chủ quyền đất nước của chiến sĩ Việt Nam trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988. Ông đã tái hiện khoảnh khắc những anh hùng dân tộc vững tay súng trước đầu sóng ngọn gió để quyết giữ cho lá cờ Tổ quốc được tung bay trên vùng biển của quê hương.

Trên nền nhạc của ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, hình ảnh bản đồ quê hương trải dài theo hình chữ S, vùng biển đảo của Tổ quốc, lá quốc kỳ cùng cột mốc mang dòng chữ Việt Nam được hiện ra rõ nét hơn trong khung vẽ của họa sĩ Trí Đức…

Kể chuyện biển Đông bằng tranh cát động ảnh 2

Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa - Nguyễn Thế Nhân

Xuất hiện muộn mằn nhất, có thể kể tới bức tranh cát động Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa của họa sỹ Nguyễn Thế Nhân. Là thành viên sáng lập của nhóm họa sỹ tranh cát động, nhưng do bận nhiều công việc, nên người họa sỹ này phải mất nhiều công sức tìm tòi hơn để có thể cho ra đời tác phẩm không bị trùng lặp với những đồng nghiệp.

Trong clip tranh cát động của anh, những hình ảnh hai chiến sỹ ngã xuống vẫn đưa tay chống bia chủ quyền hay hình ảnh người mẹ đặt lên vai con như sự tiếp bước của thế hệ, rồi hình ảnh bản đồ có Hoàng Sa, Trường Sa, những vòng tay siết chặt nhau như một sự đồng lòng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo… tuy không mới, nhưng vẫn tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Hiện, họa sỹ Nguyễn Thế Nhân cũng đang cộng tác với nhiều đài truyền hình như “Suối nguồn yêu thương” trên VTV3, “Giá trị cuộc sống” trên VTV9…

MỚI - NÓNG