Ít chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, bất động sản xin hỗ trợ có hợp lý?

TPO - Việc các Hiệp hội liên tục đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) với lý do ảnh hưởng vì dịch COVID -19, nhiều ý kiến cho rằng BDS là ngành bị ảnh hưởng gián tiếp và không nặng nề như lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch hay xuất nhập khẩu... Trong khi Chính phủ đang dành nguồn lực chống dịch, những ngành không ảnh hưởng nhiều nên chia sẻ gánh nặng trong bối cảnh hiện nay.
BĐS xin hỗ trợ vì dịch Covid-19 là chưa hợp lý
Dịch COVID -19 đang ảnh hưởng nặng hầu hết đến các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, trong đó đó có doanh nghiệp BĐS.

Để giúp các doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về việc xin bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, cụ thể các doanh nghiệp BĐS được giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Còn Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đề nghị bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng của tháng 3-6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.

Ít chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, bất động sản xin hỗ trợ có hợp lý? ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường cứ để cung cầu tự điều tiết.

Liên quan đến những đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, trả lời báo chí, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho rằng, Chính phủ đang dành nguồn lực chống dịch COVID -19, những ngành không ảnh hưởng nhiều nên chia sẻ gánh nặng.

“Chỉ thị 11 của Chính phủ đưa ra một cách khái quát nhiệm vụ kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Và Chính phủ có đánh giá từng ngành, lĩnh vực, từ đó tháo gỡ và ưu tiên cho ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng. Nên theo quan điểm của chúng tôi, BĐS là ngành bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng gián tiếp và không nặng nề như lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch hay xuất nhập khẩu. Do vậy, trong điều kiện nguồn lực dành để chống dịch như mua trang thiết bị y tế hay công tác rà soát, cách ly…, doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực không chịu tác động nặng nề bởi COVID -19 nên chia sẻ”, ông Phong nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, thời gian qua các doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ hỗ trợ nhiều quá mà chưa chia sẻ gánh nặng với Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID -19 này.

“Không phải chỉ có Chính phủ đứng ra gánh vác mà cộng động doanh nghiệp không chia sẻ là không được. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các ngành chịu ít tác động bởi COVID-19, chung tay chung sức để đẩy lùi tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Được biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cấp bách cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, trong đó giao Ngân hàng nhà nước triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được giao cho Bộ Tài chính để tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Không hỗ trợ ồ ạt, không để DN trục lợi

Theo đánh giá của Savills Vietnam, trong các phân khúc thì BĐS nghỉ dưỡng là phân khúc chịu tác động trực tiếp của dịch COVID -19. Các dự án nghỉ dưỡng đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi nhà đầu tư của phân khúc này sẽ khó thoát khỏi khoản đầu tư hiện tại, đồng thời khó chuyển hướng đầu tư.

Thị trường cũng chứng kiến một bộ phận không nhỏ khách thuê mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố ở trung tâm TP.HCM, Hà Nội buộc phải bỏ cọc, hủy hợp đồng thuê. Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch và các chủ đầu tư hiện cũng cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình này hay không.

Savills Vietnam nhận định, doanh nghiệp BĐS có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ doanh nghiệp luôn cần.

Ít chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, bất động sản xin hỗ trợ có hợp lý? ảnh 2 Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp địa ốc có thể kỳ vọng về việc phía cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Theo đánh giá, việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong đợt dịch bệnh COVID -19 có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì "sức đề kháng".

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng trong bối cảnh dịch hiện nay, Chính phủ phải chấp nhận đương đầu với tụt giảm về tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch Covid-19. Ông cho rằng các chính sách thuế cho doanh nghiệp phải hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhà nước: "Các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, và không để một số doanh nghiệp trục lợi. Không phải hỗ trợ một cách ồ ạt. Có thể sẽ có doanh nghiệp lợi dụng chính sách để được Chính phủ hỗ trợ trong lúc này”, ông Hòa nói.
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.