Israel: Vắc xin Pfizer liều thứ tư không đạt hiệu quả cao chống lại Omicron

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kết quả thử nghiệm quy mô nhỏ ở Israel cho thấy liều thứ tư của vắc xin Pfizer không đạt hiệu quả cao chống lại biến thể Omicron.
Israel: Vắc xin Pfizer liều thứ tư không đạt hiệu quả cao chống lại Omicron ảnh 1

Cụ bà Shari Marco (93 tuổi) được tiêm liều vắc xin thứ tư ở Netanya (Israel). Ảnh: Reuters

Hồi cuối năm 2021, cơ quan y tế Israel bắt đầu tiến hành thử nghiệm hiệu quả của vắc xin Pfizer liều thứ tư trên 154 nhân viên tại Trung tâm Y tế Sheba (Tel Aviv). Mặc dù nhóm nhân viên này đã được tiêm 3 liều Pfizer trước đó, nhưng mức độ kháng thể của họ đã giảm đáng kể trong khoảng 4 tháng sau khi tiêm liều cuối cùng.

Sau mũi tiêm thứ tư, nhóm tham gia thử nghiệm ghi nhận những tác dụng phụ tương tự liều thứ ba như đau vết tiêm, sốt, đau đầu.

Ngày 4/1, Thủ tướng Israel - Naftali Bennett cho biết liều thứ tư của vắc xin Pfizer có thể làm tăng số lượng kháng thể lên gấp 5 lần sau khi tiêm khoảng một tuần.

Nhưng trong báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu dẫn đầu cuộc thử nghiệm lại đưa ra nhận định không mấy lạc quan về tác dụng của mũi vắc xin thứ tư đối với biến thể Omicron.

“Chúng tôi ghi nhận lượng kháng thể tăng lên, cao hơn so với liều thứ 3. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều người nhiễm biến thể Omicron dù đã tiêm 4 liều”, Gili Regev-Yochay, một trong những nhà nghiên cứu chính trong cuộc thử nghiệm cho biết. “Mặc dù vắc xin này hoạt động hiệu quả chống lại biến thể Alpha và Delta. Nhưng với Omicron, nó không đủ tốt.”

Từ đầu tháng này, cơ quan y tế Israel hiện đã bắt đầu tiến hành tiêm liều vắc xin Pfizer thứ tư cho người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế. Đến ngày 16/1, khoảng 500.000 người ở Israel đã được tiêm vắc xin liều thứ tư.

Việc tiêm mũi tăng cường thứ 2 được Israel triển khai khi nước này ghi nhận ​​sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, số trường hợp tử vong và nhập viện vẫn chỉ tăng nhẹ.

Mặc dù cuộc thử nghiệm ở trung tâm y tế Sheba vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, và các chuyên gia chưa đưa ra số liệu cụ thể, nhưng Regev-Yochay cho biết bà vẫn công khai kết luận sơ bộ của nghiên cứu vì “liều tăng cường là vấn đề được công chúng quan tâm”.

Nữ chuyên gia lưu ý rằng việc tiêm vắc xin liều thứ tư cho những người có nguy cơ cao “có lẽ” vẫn là cách tiếp cận tốt nhất. Tuy nhiên, bà đề xuất chiến dịch tiêm liều tăng cường nên được giới hạn ở nhóm lớn tuổi hơn so với hướng dẫn hiện tại là trên 60 tuổi.

Cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đều từng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng loại vắc xin hiện tại để tiêm liều tăng cường liên tục.

Phát biểu hôm 11/1, nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Chế phẩm vắc xin COVID-19 (TAG-Co-VAC) cho biết việc sử dụng loại vắc xin nguyên bản làm mũi tăng cường là cách làm sai lầm. “Việc sử dụng các loại vắc xin cơ bản làm mũi tăng cường liên tiếp là không phù hợp và không mang lại tác dụng bền vững”, đại diện TAG-Co-VAC nói.

Trong khi các loại vắc xin hiện có “tập trung vào khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng/tử vong và giảm gánh nặng lên hệ thống y tế”, thì “chúng ta vẫn cần những loại vắc xin đạt hiệu quả cao trong việc “ngăn ngừa nhiễm trùng và lây truyền”.

“Cho đến khi những loại vắc xin mới ra đời, thì chúng ta có thể sẽ cần phải cập nhật những loại vắc xin hiện có để đối phó tốt hơn với các biến thể mới như Omicron”, nhóm này tuyên bố.

Theo TAG-Co-VAC, các hãng dược nên phát triển các loại vắc xin “có thể tạo ra phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm thiểu việc phải tiêm liều tăng cường liên tiếp”.

Marco Cavaleri - một quan chức EMA (cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu EU) cho biết hiện cơ quan này chưa có đủ dữ liệu để đề xuất tiêm mũi tăng cường thứ 2 ngay cả khi một số quốc gia đã thúc đẩy việc tiêm mũi vắc xin thứ 4.

Theo Cavaleri, EMA “khá quan ngại về chiến lược tiêm lặp lại liên tục trong một thời gian ngắn”. “Chúng ta không thể tiêm liều tăng cường sau mỗi 3 - 4 tháng”, vì việc này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến mọi người mệt mỏi.

Bất chấp khuyến cáo từ các cơ quan y tế, một số quốc gia như Chile, Đan Mạch, Hungary… mới đây đã tiếp bước Israel và triển khai tiêm vắc xin liều thứ tư cho một số nhóm đối tượng.

Theo RT, Reuters
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.