Hy vọng về bảo hiểm chìm theo tàu 67

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để đóng được tàu cá 67 trên chục tỷ đồng, mỗi chủ tàu đã phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và người thân để vay vốn ngân hàng. Tàu cháy, không được đền bù, cơ ngơi nhiều ngư dân cũng “chìm dần” theo những chiếc tàu bị nạn.

Từ chối bồi thường

Đã gần 3 năm, nhưng mỗi khi nghe ai đó nhắc lại chuyện chìm tàu, ông Phan Văn Khuyên (SN 1957, ở khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, Nghệ An) lại rùng mình vì nhớ lại ký ức khủng khiếp nhất trong đời. Ông kể, khoảng 12 giờ ngày 5/10/2019, ông cùng 8 bạn thuyền kéo lưới xong. Đến 18 giờ cùng ngày, trên đường về đất liền thì phát hiện lửa bốc cháy từ khoang máy. Sau tiếng nổ lớn, lửa bùng cháy dữ dội, tất cả thuyền viên chạy về phía mũi tàu.

“Lúc đó tôi kịp kêu cứu trên bộ đàm. May mắn, mọi người trên tàu thoát nạn nhờ có tàu bạn kịp đến ứng cứu. Nhìn con tàu cháy rồi cứ thế chìm dần. Xót lắm. Tổng thiệt hại ước tính 10 tỷ đồng”, ông Khuyên buồn bã. Sau khi tàu bị cháy, các ngư dân an toàn trở về, cơ quan chức năng đã có biên bản xác nhận vụ cháy tàu này. Ông Khuyên cũng đã thuê 4 tàu và thợ lặn ra hiện trường 3 ngày để tìm kiếm, trục vớt xác tàu cháy nhưng không được vì chìm ở vị trí quá sâu, không thể đem được xác tàu về đất liền để sửa chữa.

Hy vọng về bảo hiểm chìm theo tàu 67 ảnh 1

5 ngư dân trên tàu cá của ông Lê Bá Nam được cứu sau khi tàu bị cháy tại vùng biển Quảng Trị ngày 15/7/2021, nhưng bảo hiểm từ chối bồi thường

Trước đó, năm 2016, khi có chủ trương đóng tàu 67 được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay, gia đình ông bán 2 tàu cũ được khoảng 4 tỷ đồng, thế chấp thêm 3 bìa đỏ của gia đình và người thân vay số tiền 6 tỷ đồng, tất cả ông dồn vào đóng tàu cá với công suất 812 CV, trị giá 12,7 tỷ đồng để vươn khơi bám biển. Sau khi đóng tàu xong, ông đã mua bảo hiểm cho tàu từ Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An với phí mỗi năm gần 47 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tàu cháy, ông đã làm hồ sơ thủ tục để xin cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng Bảo hiểm PJICO Nghệ An đã từ chối vì lý do thiết bị giám sát hành trình trên tàu không hoạt động kể từ ngày 21/7/2019 do Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận.

“Thiết bị giám sát hành trình của tàu chúng tôi được Chi cục Thủy sản Nghệ An lắp đặt miễn phí ngày 11/6/2019 trong đợt thí điểm lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019 của Chính phủ. Chúng tôi không hề biết nó có hoạt động thời gian như thế nào. Vì nhìn bằng mắt thường không thể biết được, chúng tôi cũng không thể biết nó hỏng lúc nào”, ngư dân này nói.

Không chấp nhận cách trả lời của cơ quan bảo hiểm, ông Khuyên làm đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân thị xã Hoàng Mai. Từ đó đến nay đã có 2 đợt ông được mời lên làm việc. Mới đây nhất, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT Nghệ An đã về địa phương để giải quyết khiếu nại, nhưng theo ông Khuyên, đến nay vẫn “chưa thấy động tĩnh gì”. Cháy tàu và chìm hết ngư lưới cụ đã khiến ông Khuyên không còn phương tiện đánh cá kiếm sống và trả nợ ngân hàng. Hiện nay, ông vẫn còn nợ ngân hàng 7,8 tỷ đồng. 4 sổ đỏ của gia đình và người thân của ông đều đang thế chấp trong ngân hàng.

Hy vọng về bảo hiểm chìm theo tàu 67 ảnh 2

Tàu ông Phan Văn Khuyên bị cháy và chìm trên biển

Ngư dân Lê Bá Nam (SN 1976, trú thôn Sơn Long, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai) đóng con tàu công suất 818 CV, mang số hiệu NA 95768 TS trị giá 11,7 tỷ đồng để ra khơi đánh bắt và có mua bảo hiểm của công ty Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội. Khoảng 1h ngày 15/7/2021, tàu đang neo đậu trên biển, mọi người trên tàu đang nằm ngủ thì phát hiện máy điện đang hoạt động bỗng dưng tắt. Xuống khoang máy để kiểm tra, ông Nam phát hiện khói bốc lên từ mô tơ điện rồi cháy to. Mọi người trên tàu dùng bình chữa cháy và múc nước để dập lửa nhưng không được, hệ thống điện trên tàu phụt tắt, lượng dầu trong tàu nhiều khiến ngọn lửa bùng cháy rất nhanh.

“Lúc đó, nhận thấy không thể cứu chữa được nữa nên tôi cùng 4 thuyền viên lấy áo phao và thúng tròn trên tàu nhảy xuống và gọi cho tàu bạn và bên Biên phòng Cửa Tùng giúp đỡ, cứu hộ chúng tôi được đưa vào bờ an toàn, còn chiếc tàu cứ thế bị cháy và chìm hoàn toàn. Tổng thiệt hại tài sản khoảng 9 tỷ đồng”, ông Nam nhớ lại.

Ngư dân này nói, để đóng được con tàu, ông đã vay ngân hàng gần 7 tỷ đồng, thế chấp 5 sổ đỏ. Thời gian đầu, tàu vươn khơi đánh bắt khá hiệu quả, ông trả được một phần tiền nợ. Ngân hàng trả lại cho ông 1 sổ đỏ. Nhưng sau đó, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp, nguồn thuỷ sản ngày càng hiếm nên năng suất đánh bắt càng giảm đi. Hiện nay, gia đình ông còn nợ hơn 5 tỷ đồng, 4 sổ đỏ đang thế chấp trong ngân hàng trong khi mỗi năm ông phải đóng phí bảo hiểm gần 60 triệu đồng. Sau sự cố tàu bị cháy và chìm trên biển, ông đã làm đầy đủ giấy tờ, hồ sơ đề nghị cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả.

“Tháng 8/2021, bên phía công ty bảo hiểm có về địa phương để bán bảo hiểm, họ nói sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho tàu của tôi nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Cách đây nửa tháng, tôi có gọi điện hỏi thì họ bảo hồ sơ đã hoàn tất, chờ đến cuối tháng 4 sẽ hồi âm nhưng hết tháng 5 rồi mà vẫn chưa ai trả lời. Lúc mua bảo hiểm thì rất nhanh, khoảng 1 tiếng là hoàn thành đầy đủ giấy tờ hồ sơ. Đến khi mình gặp rủi ro thì phía công ty bảo hiểm chậm bồi thường”, ông Nam nói.

Nguy cơ mất cả chì lẫn chài

Ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập cho biết, địa phương có 29 tàu cá đóng theo Nghị định 67, trong đó có 8 tàu bị cháy có mua bảo hiểm của 2 công ty bảo hiểm nhưng chưa được bồi thường. Lý do phía bảo hiểm đưa ra là tàu đánh bắt ở vùng lộng, ngoài phạm vi cho phép; thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; máy trưởng trên tàu thiếu chứng chỉ. Sau khi bị từ chối bồi thường, một số chủ tàu bị nạn cho rằng, tàu bị cháy ở vùng lộng, chưa kịp ra khơi là do đang trong quá trình di chuyển chứ không phải bị cháy khi đang đánh bắt hải sản ở vùng lộng. Ngoài ra, quá trình mua bảo hiểm, ngư dân không nắm được hết các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm khi bị thiệt hại.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho hay, cuối năm 2019, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An dừng bán bảo hiểm cho các tàu cá trên địa bàn vì thấy rủi ro quá lớn. Sau khi Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An dừng bán thì ngư dân có quyền mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm khác. Khi ngư dân gặp nạn trên biển, họ làm đầy đủ hồ sơ để xin cơ quan bảo hiểm bồi thường thì gần như các công ty bảo hiểm viện lý do để từ chối chi trả. “Hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức các cuộc họp nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện ven biển. Ban hành nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 như giãn nợ, điều chỉnh cách thu hồi nợ, hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân”, ông Học cho hay.

Ông Học chia sẻ, mấy năm qua, ngư dân khốn khó vì sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá dầu và chi phí đi biển quá cao khiến tàu bị thua lỗ triền miên, trong khi sự hỗ trợ từ Nhà nước lại thấp, nếu gặp thêm rủi ro cháy tàu nữa thì họ thực sự kiệt sức. Nhiều ngư dân dù đã mua bảo hiểm nhưng chủ quan, không hiểu biết hết về các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên khi xảy ra rủi ro, họ bị từ chối bồi thường. Ban chỉ đạo chương trình tàu 67 tỉnh Nghệ An đã nhiều lần nhắc nhở phía công ty bảo hiểm, đối với những trường hợp có kết luận của cơ quan chức năng phải nhanh chóng bồi thường cho tàu cá mua bảo hiểm theo Nghị định 67 không may gặp sự cố rủi ro.

“Bộ Tài chính cần xem xét, có chính sách giãn nợ, tính toán lại thời gian trả nợ của ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Ngân hàng Nhà nước xem xét thay đổi cách thức tính tiền trả nợ cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngư trường khai thác mất mùa. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại cho vay đang giữ sổ đỏ của chủ tàu vay vốn và các cá nhân tham gia góp vốn với chủ tàu. Để tạo điều kiện cho chủ tàu thế chấp sỏ đỏ vay vốn lưu động phục vụ hoạt động của tàu cá, đề nghị phía ngân hàng xem xét hoàn trả lại sổ đỏ theo tiến độ trả nợ của ngư dân”, ông Học đề xuất.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.