Nhiều chủ tàu '67' thành người làm thuê, bị ngân hàng khởi kiện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bình Định từng là địa phương “dậy sóng” cả nước liên quan sự cố hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (tàu 67) bị làm dối dẫn đến liên tục hư hỏng, gỉ sét khi vừa hạ thủy. Nhiều ngư dân ở tỉnh này trước đó vay vốn để đóng tàu “67”, giờ phải ôm nợ hàng chục tỷ đồng, có người phải hầu tòa, bị phát mại cả tàu cá và nhà ở.

Chủ tàu thành người làm thuê

Ông Đinh Công Khánh - chủ tàu vỏ thép BĐ 99086TS (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) nghẹn ngào khi nhắc lại chuyện đóng tàu 67: Tôi hiện đang phải đi làm thuê cho các tàu khác để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Khánh chia sẻ, trước năm 2015, ông là chủ của 2 tàu vỏ gỗ với hơn 20 lao động thường xuyên bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thời đó, làm ăn rất thuận lợi, nhưng từ ngày đóng tàu vỏ thép giá trị 17,6 tỷ đồng (trả trước 5%, vay ngân hàng 95%), gia đình làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất vì tàu vừa hạ thủy đã hư hỏng.

“Tiền không có để trả cho ngân hàng, phải mượn thêm của người dân mấy trăm triệu nữa để làm ăn nhưng cũng thua lỗ. Bữa giờ người ta cũng đòi lên đòi xuống mà không biết làm sao. Phía ngân hàng cũng đã khởi kiện rồi. Năm ngoái họ cũng mời vào TP Quy Nhơn một lần để thỏa thuận, để đi làm có rồi trả nhưng dịch bệnh COVID-19 cũng không đi được. Ăn Tết xong cũng tính đi nhưng rồi, xăng dầu lên cao quá, bạn tàu cũng nghỉ hết nên thôi luôn. Chiếc tàu giờ cũng đang nằm ở cửa biển Đề Gi”, ông Khánh kể.

Lâm hoàn cảnh tương tự là ông Thái Văn Duyệt - chủ tàu vỏ thép BĐ 99160TS, được đóng với chi phí 19,8 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 18,8 tỷ đồng. Nhưng do làm ăn thua lỗ, ông hiện giờ nợ nần chồng chất.

Đi biển từ năm 18 tuổi, từ một ông chủ thành đạt, ông Duyệt hiện rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, phải đi làm thuê cho các tàu bạn mỗi tháng nhận 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình. “Từ ngày đóng chiếc tàu vỏ thép, gia đình đổ nợ luôn. Năm vừa rồi, cũng cố gắng ra khơi 2 chuyến nhưng cũng thua lỗ mấy trăm triệu tiếp, rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên tàu nằm bờ luôn”, ông Duyệt nói. Ông cho biết, ngân hàng đã khởi kiện ông ra tòa. Năm vừa rồi, tòa án gọi ông vào Quy Nhơn để hai bên hòa giải, thỏa thuận để trả nợ nhưng ông cho hay, với số nợ cả gốc lẫn lãi hơn 24 tỷ đồng, gia đình ông không còn khả năng để trả.

Từ một ông chủ đội tàu với 4 chiếc vỏ gỗ, làm ăn khấm khá ở vùng biển Cát Khánh, ông Nguyễn Ngọc Châu - chủ tàu vỏ thép BĐ 99169TS rơi tõm xuống vực nợ nần, hiện phải đi làm thuê kiếm tháng 5-7 triệu đồng để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học. Ông Châu cho hay, tàu của ông đóng có tổng giá trị 21 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng 19,9 tỷ đồng), ông Châu cho biết, ông trả tàu cho ngân hàng, nhưng người ta chưa nhận. Phía ngân hàng đã khởi kiện ông ra tòa.

Cùng cảnh ngộ là một số chủ tàu cá khác ở cửa biển Đề Gi, như các ông Lê Ngô Hát (tàu BĐ 99168TS), Lê Văn Thãi (tàu BĐ 99016TS) cũng từng là đại diện tiêu biểu của tỉnh Bình Định tiên phong đóng tàu vỏ thép “67”, nhưng giờ đang khốn đốn, làm thuê khắp nơi để mưu sinh.

15 chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, về tình hình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, toàn tỉnh có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới (48 tàu thép, 8 composite, 5 gỗ) và 1 hợp đồng nâng cấp tàu cá vỏ gỗ với các ngân hàng thương mại với tổng số tiền cam kết cho vay là 921 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, có 4 tàu đã bị chìm (3 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ), còn lại 57 tàu đang hoạt động.

Đối với 57 chiếc tàu đang hoạt động, có 4 tàu phía ngân hàng đã bán, thu hồi nợ; 15 tàu khác, ngân hàng đang kiện chủ tầu ra tòa và chờ bán đấu giá tàu để thu hồi nợ. Còn 18 tàu hoạt động sản xuất 1-5 chuyến biển từ đầu năm đến nay, trong đó 12 tàu hoạt động có lãi, 6 tàu hoạt động hòa vốn hoặc thua lỗ. Còn lại 20 tàu nằm bờ do không có thuyền viên hoặc chi phí cao nên chưa tham gia hoạt động sản xuất.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, việc triển khai Nghị định 67 đến nay trên địa bàn, ngoài những tàu làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, số còn lại hoạt động tương đối có hiệu quả. Về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng, do trình độ của ngư dân còn hạn chế và mới lần đầu sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composite nên chưa quen với việc vận hành, bảo dưỡng và sử dụng tàu vào hoạt động khai thác và bảo quản sản phẩm nên hiệu quả khai thác chưa cao. Chi phí đầu vào, nhân công phục vụ cho sản xuất tăng cao nhưng thời tiết không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản giảm, sản lượng khai thác thấp, giá sản phẩm thấp nên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Ngoài ra, chi phí khác như thuê thuyền viên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Bình Định, cũng có một số chủ tàu làm ăn có hiệu quả nhưng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ vay ngân hàng và cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nên có ý trông chờ hỗ trợ.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có đề xuất, kiến nghị các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể việc thu hồi nợ vay theo phương án cam kết; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thu hồi nợ vay của các chủ tàu; đề xuất xử lý kiên quyết một số chủ tàu sản xuất hiệu quả nhưng chây ỳ không trả nợ để răn đe, giáo dục chung.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định, dư nợ cho vay tàu “67” của tỉnh đến ngày 30/4/2022 là 839 tỷ đồng (60 khách hàng), trong đó có 57/60 khách hàng có nợ quá hạn số tiền 449 tỷ đồng (trong đó gốc 230 tỷ đồng, lãi 219 tỷ đồng).

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định đề nghị tỉnh đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân mua lại tàu cá là tài sản thế chấp vay vốn theo Nghị định 67. Hiện nay, ở tỉnh Bình Định, các công ty bảo hiểm đang tạm dừng bán bảo hiểm hoặc bán với mức rất thấp so với giá trị tàu cá cho vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, nhiều tàu cá đã hết hạn bảo hiểm nhưng vẫn ra khơi đánh bắt dẫn đến rủi ro cao đối với việc cấp tín dụng hoặc phải nằm bờ không có nguồn trả nợ ngân hàng.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.