Vỡ mộng 'tàu 67'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vì đâu hiệu quả của chính sách rất nhân văn thông qua Nghị định 67/2014/ NĐ-CP hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá hiện đại không như kỳ vọng, nhiều tàu cá nằm bờ, thua lỗ, nợ xấu hàng trăm tỷ đồng, ngư dân tiên tiến lâm cảnh nợ nần, nguy cơ hầu tòa?

Ngư dân giỏi lâm nợ chục tỷ đồng

Tại Quảng Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ về chính sách tín dụng vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/ NĐ-CP, tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 63 tàu đóng mới (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu composite và 37 tàu vỏ thép) và 2 tàu nâng cấp. Tổng số tiền giải ngân là 719,356 tỷ đồng.

Vỡ mộng 'tàu 67' ảnh 1

Ngư dân Trần Đậu sau 6 năm sở hữu con tàu vỏ thép buộc phải thanh lý con tàu và mang nợ hàng chục tỷ đồng

Tuy nhiên sau 7 năm triển khai, nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, nằm bờ và kéo theo đó số nợ xấu ngân hàng lên tới hơn 258 tỷ đồng. Con tàu bị thanh lý với giá chỉ bằng 1/10 giá trị ban đầu, ngư dân vỡ mộng tàu lớn lại vướng nợ hàng chục tỷ đồng và bị khởi kiện ra tòa.

Ngư dân Trần Đậu (51 tuổi, trú thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bần thần hồi lâu khi nhìn bức vẽ mẫu con tàu được đóng kính, treo trang trọng giữa nhà. Cạnh đó, là những bức ảnh kỷ niệm đợt khởi công, giao nhận tàu QNa 93717 TS. Con tàu sắt công suất 811 mã lực vốn là giấc mơ của ngư dân cả đời bám biển như ông. Người đàn ông với vóc người vạm vỡ, nước da ngăm đen rắn rỏi bởi thời gian ở biển nhiều hơn trên bờ, dày dạn kinh nghiệm với nghề đánh bắt cá bằng lưới rê này tin rằng khi có tàu lớn thì thu nhập sẽ cao hơn.

“Đây là câu chuyện nan giải, không chỉ ở Quảng Nam mà cả nước. Địa phương cũng đề xuất một số hướng giải quyết để duy trì hoạt động của những con tàu và ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển nhưng kết quả không mấy khả quan”.

Ông Nguyễn Đình Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

(Sở NN&PTNT Quảng Nam)

Năm 2015 ngư dân Trần Đậu là một trong số ít người tại địa phương được xét duyệt đủ điều kiện tham gia đóng mới tàu theo Nghị định 67. Để sở hữu con tàu trị giá 15 tỷ đồng này, ông bán con tàu gỗ, thế chấp nhà đất và vay thêm để đủ số tiền 1,5 tỷ đồng đối ứng.

Vốn là ngư dân giỏi, bằng chứng là hàng chục tấm bằng khen các cấp trao tặng và hơn hết thực tế hơn 40 năm bám biển dạn dày kinh nghiệm giúp ông nuôi cả gia đình. Những chuyến biển ăm ắp cá tôm giúp ông và bạn tàu đã có một cuộc sống sung túc. Ông tự tin với con tàu lớn, hiện đại này sẽ tiếp hiện thực hoá giấc mơ bám biển, làm giàu bằng nghề mà ba thế hệ đã chọn gắn bó.

Thế nhưng sau khi nhận tàu, đưa vào sản xuất thì kết quả không như mong muốn. “Tàu lớn nên lượng tiêu hao nhiên liệu, chi phí bỏ ra nhiều nhưng năng suất không cao. Hơn thế máy móc lại thường xuyên hỏng, nhiều đợt tàu về không rồi chờ cả mấy tháng ròng. Mỗi chuyến biển lỗ cả trăm triệu đồng. Riết như thế, mỗi năm tàu ra khơi được 1-2 chuyến. Ngư trường cũng cạn kiệt, năng suất thấp không đủ trang trải chi phí. Bạn tàu không có thu nhập cũng bỏ đi, tàu đành nằm bờ”, ông Đậu nói.

Ba năm đầu cố gắng nộp đủ khoản nợ ngân hàng như thỏa thuận hợp đồng, tuy nhiên sau đó tàu nằm bờ, số nợ hơn 14 tỷ đồng của ông Đậu thành nợ xấu. Cách đây 4 tháng, con tàu vỏ thép QNa 93717 TS được mang ra đấu giá, giá bán 1,5 tỷ đồng.

“Xót lắm! Cả cơ ngơi mười mấy tỷ đồng giờ bán rẻ như sắt vụn. Giá như còn có thể xoay xở tôi muốn mua lại con tàu, cả đời đi biển giờ lên bờ cũng chẳng biết làm gì mà món nợ 14 tỷ đồng cũng không cách gì trả nữa. Nhưng mà, bao nhiêu tài sản, vốn liếng đổ vào để đối ứng với tàu sắt đó, làm được mấy năm rồi nợ lại chồng nợ, chẳng biết xử lý sao nữa”, ông Đậu khẽ gục đầu xuống, hai tay ôm khuôn mặt nhàu nhĩ.

Từ khi con tàu thanh lý, ông theo tàu đi biển mỗi tháng đi 15 ngày, được 5 triệu đồng. “Thời buổi giờ tiền đó thấm vào đâu, nhưng đi cho nó khuây khoả, đỡ nhớ biển nhớ nghề”, ông thở dài.

Hơn 20 tàu cá ở Quảng Nam đang lâm cảnh tương tự như ngư dân Trần Đậu. Thống kê của các ngân hàng thương mại, số nợ xấu lên đến hơn 258 tỷ đồng (của 24 tàu cá vay vốn theo Nghị định 67/ 2014/NĐ-CP).

Bài toán nan giải

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Nam) cho biết, Quảng Nam có 65 tàu thực hiện theo Nghị định 67/2014/ NĐ-CP, trong đó 63 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp. Thực tế triển khai Nghị định 67 sau 7 năm triển khai thì kết quả chưa như mong muốn và mục đích ban đầu. Nhiều tàu hoạt động không hiệu quả. 10 tàu cá sau đó cải hoán nghề tuy nhiên cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Theo ông Toàn, lý do khiến hàng loạt tàu 67 nằm bờ, thanh lý giá rẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính là do ngư trường cạn kiệt và khả năng quản lý, vận hành tàu công suất lớn của ngư dân còn hạn chế. Hiện, các ngân hàng thương mại đã tiến hành thanh lý 14 tàu với giá rất thấp chỉ bằng 10% giá trị ban đầu.

“Tàu lớn thì đương nhiên vận hành chi phí lớn hơn, nhưng ngư trường cạn kiệt, năng suất không cao dẫn đến thua lỗ. Đồng thời, dù là ngư dân trước đây đánh bắt rất giỏi, có kinh nghiệm trong đánh bắt tuy nhiên khả năng vận hành tàu cá, khối tài sản lớn như vậy thì chưa cao. Dù trước đó vẫn có những lớp tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng… nhưng cũng chỉ là lý thuyết cơ bản, còn áp dụng vào thực tế thì có độ chênh”, ông Toàn lý giải.

Tàu không hoạt động nằm bờ thời gian dài nên rất nhanh xuống cấp. Hơn nữa, tâm lý người dân lâu nay cũng ngại mua lại con tàu tàu hiệu quả sản xuất kém, do đó tài sản thanh lý giá rất thấp.

Đối với các trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác, ngành chức năng đề xuất phương án chuyển nhượng lại tàu, Ban chỉ đạo tàu 67 tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại, các ngành liên quan và các địa phương ven biển rà soát, thông báo, giới thiệu cho các ngư dân có nhu cầu nhận tàu, nhận nợ theo quy định tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 67) liên hệ để thỏa thuận chuyển nhượng. Tuy nhiên hiện chưa có trường hợp nào nhận chuyển nhượng. Nguyên nhân chính là do quy định hiện nay bắt buộc người chuyển nhượng dự án phải nhận toàn bộ dư nợ hiện có của chủ tàu cũ trong khi giá trị thực tế còn lại của dự án thấp hơn do con tàu và các máy móc, trang thiết bị xuống cấp theo thời gian. Ngoài ra, việc chuyển nhượng cũng vướng đến các cơ chế phân loại nợ đối với khoản vay của chủ tàu mới.

MỚI - NÓNG