Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bày tỏ quan điểm của chính quyền Athens về hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Alexis Tsipras bày tỏ quan ngại về chương trình vũ khí mới của Thổ Nhĩ Kỳ, khi cho rằng "chương trình thể hiện quan điểm bảo vệ 'casus belli' (sự biện minh cho hành động chiến tranh) của chính quyền Ankara".
Cũng trong buổi họp báo, Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết, Hy Lạp và Nga đã thảo luận về "diễn biến những sự kiện ở phía Đông Địa Trung Hải và bản đồ năng lượng mới đang được hình thành trong khu vực này".
Vào cuối năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hợp đồng trả trước với Nga để mua 4 hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 2,5 tỷ USD.
Thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của phương Tây. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell tuyên bố, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, chính quyền Ankara có thể rơi vào diện trừng phạt trong khuôn khổ CAATSA. Đồng thời kế hoạch mua tiêm kích F-35 cũng sẽ được xem xét lại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền xây dựng một quân đội độc lập tự chủ và không có nước nào có quyền can thiệp.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau đó cũng khẳng định Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vì "đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Mỹ, không sẵn sàng bán cho nước này những vũ khí tối tân".
S-400 là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga, có khả năng đánh chặn mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
Ngoài ra, hệ thống phóng của S-400 có thể dùng được ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn, cho phép nó bắn hạ nhiều mục tiêu khác nhau. Một sư đoàn S-400 có thể bắn hạ 36 mục tiêu cùng lúc.