Trưa 14/8, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "Kính", trùm bảo kê chợ Long Biên) tử vong sau nửa 2 tuần bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trước Nguyễn Kim Hưng, cũng một số bị cáo tử vong sau phiên tòa sơ thẩm. Trong số những lần hy hữu đó, phiên xử phúc thẩm vẫn diễn ra. Và tòa đã tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm.
Trùm bảo kê rút kháng cáo trước lúc chết
Khoảng 23h ngày 13/8, Nguyễn Kim Hưng được cán bộ Trại tạm giam T16 Bộ Công an đưa vào bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị bệnh gan. Được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do bệnh nặng, Hưng "Kính" đã tử vong trưa 14/8.
Theo bác sĩ, bệnh nhân Hưng có tiền sử điều trị nhiều lần về bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Thời điểm được chuyển từ trại tạm giam vào viện, ông Hưng trong tình trạng mệt mỏi, ý thức chậm chạp, bụng chướng và không ăn uống được. Dù được cấp cứu nhưng sau đó, bệnh nhân trụy tim mạch rồi qua đời.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hôm 26/7, trong số 5 bị cáo chỉ Hưng "Kính" được chủ tọa cho ngồi để trả lời thẩm vấn do mắc bệnh gan. Suốt thời gian xét xử còn lại, Nguyễn Kim Hưng cũng không thể đứng dậy do sức khỏe yếu.
Theo bản án, thời gian được giao quản lý việc bốc dỡ hàng hóa ở chợ Long Biên, Hưng "Kính" lấy danh nghĩa tổ bốc dỡ số 2 để chỉ đạo các đồng phạm đe dọa, gây khó khăn cho tiểu thương và cưỡng đoạt 28 triệu đồng của nạn nhân.
Tại tòa, 4 đồng phạm khai họ làm theo chỉ đạo của Hưng "Kính". Tuy nhiên, trùm bảo kê sinh năm 1963 chối tội. Bị cáo này chỉ xin lỗi các tiểu thương.
Sau phiên sơ thẩm, Nguyễn Kim Hưng gửi đơn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, TAND cho biết sáng 14/8, bị cáo đã đề nghị rút đơn này.
Bị cáo đã chết, tòa vẫn xử phúc thẩm
Ngày 3/8/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng xét xử một vụ án hy hữu khi bị cáo đã chết từ sau phiên sơ thẩm.
Bị cáo không may qua đời trước khi phúc thẩm là Chu Văn Trường (33 tuổi, quê Tuyên Quang). Tháng 8/2017, TAND Hà Nội tuyên Trường tử hình về các tội Giết người và Cướp tài sản.
Sau đó, bị cáo kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, Trường đã không thể đến dự phiên tòa phúc thẩm do bị cáo tử vong trước đó.
HĐXX cấp phúc thẩm vẫn khai mạc phiên xử như thường lệ. Tại tòa, đại diện VKSND Cấp cao đánh giá bản án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội và không oan nên đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên, do bị cáo Trường đã chết trong quá trình chờ xử phúc thẩm nên đại diện VKS đề nghị tòa hủy phần trách nhiệm hình sự với bị cáo.
Sau đó, khi tuyên án, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của phía VKS. Chu Văn Trường được hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm, phải bồi thường dân sự cho bị hại số tiền 178 triệu đồng.
Theo nội dung bản án, Trường thất nghiệp nên sống lang thang ở Hà Nội. Rạng sáng 27/8/2016, anh ta đột nhập nhà dân ở quận Cầu Giấy để trộm cắp.
Khi lên tầng 3, Trường bị anh Nguyễn Quang Anh (21 tuổi) phát hiện nên dùng dao sát hại. Sau đó, bị cáo cướp laptop, điện thoại rồi bỏ trốn.
Trưa hôm đó, Trường mang máy tính cướp được đến cửa hàng để cài đặt lại thì bị công an bắt giữ.
Thi hành án ra sao?
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị cáo tử vong khi tòa chưa phúc thẩm thì cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử. Trường hợp bị cáo gửi đơn kháng án sau khi tòa xử sơ thẩm nhưng tử vong trước phiên phúc thẩm thì HĐXX cũng ra quyết định đình chỉ tương tự.
Quyết định đình chỉ phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ xét xử, việc hủy bỏ trách nhiệm hình sự nhưng giữ nguyên yêu cầu bồi thường dân sự nếu có.
Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), nếu bị cáo tử vong khi chưa kịp phúc thẩm thì việc thi hành án sẽ được áp dụng theo bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, ông Thơm cho biết các quyết định này chỉ có hiệu lực sau khi tòa phúc thẩm công bố phán quyết.
Ngoài ra, khi bị cáo tử vong thì cơ quan tố tụng sẽ hủy bỏ phần trách nhiệm hình sự. Nhưng nghĩa vụ bồi thường trách nhiệm dân sự trong vụ án (nếu có) của bị cáo vẫn được cơ quan thi hành án xem xét thực hiện.
Luật sư phân tích thêm trong một số vụ án, bị cáo tử vong sau phiên tòa sơ thẩm nhưng bị hại vẫn tiếp tục gửi đơn kháng cáo. Lúc đó, căn cứ Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa sẽ đình chỉ xét xử các kháng cáo có liên quan đến người đã chết.
Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo nhưng một trong số này tử vong khi chưa xử phúc thẩm thì các bị cáo còn lại vẫn phải tiếp tục xét xử, thi hành án.
Khi đó, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ căn cứ nội dung trong bản án sơ thẩm để đánh giá lời khai, vai trò liên quan của bị cáo đã chết so với những bị cáo khác.