Huyền thoại gò Rồng ấp - sự ra đời của Lý Công Uẩn

Đạo diễn Triệu Trung Kiên và NSND Lệ Ngọc
Đạo diễn Triệu Trung Kiên và NSND Lệ Ngọc
TPO - Không khai thác về quãng thời gian trị vì lẫy lừng của vua Lý Công Uẩn, các nghệ sĩ gây tò mò với tác phẩm Huyền thoại gò rồng ấp-vở diễn dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn.

Kịch bản do PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phóng tác từ những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn. Đây là tác phẩm mới của sân khấu Lệ Ngọc ngay sau tiếng vang của vở Tấm Cám.

Vở kịch kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, sau khi bố mẹ Thị Nga qua đời đã được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở gò Rồng ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng.

Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.

Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm kỷ dậu, tức là ba mươi sáu năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng Ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…” điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà.

Ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết chuyện, nổi long tham bốc mả cha đem táng ở gò Rồng ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã bầy đặt những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà.

Thị Ngà vượt qua hết kiếp nạn, để rồi đến kỳ sinh nở, gắng gượng sức tàn cô lê lết đến được cổng chùa Cổ Pháp - nơi sư Khánh Văn trụ trì. Sức cùng, lực kiệt không thể sinh nở, Thị Ngà đã dùng mảnh sành tự rạch bụng để con trẻ được chào đời, cũng là lúc người mẹ nhắm mắt. Đứa bé được sư Khánh Văn đem về nuôi nấng để rồi sau này lớn lên đã trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý, người có công dời đô về Thăng Long.

Huyền thoại gò Rồng ấp - sự ra đời của Lý Công Uẩn ảnh 1  Vở diễn về sự hình thành của vua Lý Công Uẩn

Kịch bản được đặt vào tay NSƯT Triệu Trung Kiên-người có sở trường dựng kịch cải lương, nhưng có nhiều lần hợp tác dựng kịch của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. “Tôi vô cùng hồi hộp và lo lắng khi lần đầu dựng một vở cho sân khấu kịch”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói. Tuy thế anh tự tin bởi anh được đào tạo đạo diễn sân khấu kịch, tiết lộ them “không dại gì” không kế thừa giá trị sân khấu truyền thống để dựng một vở diễn mang màu sắc huyền thoại dân gian.

NSND Lệ Ngọc được giao vai Thị Ngà. Đây là một màn thay đổi thú vị, bởi trước tới giờ Lệ Ngọc thường vào vai “lẳng, ác”, nay lại được thử thách vào vai đôi mươi dù tuổi 60. Trong vở diễn này các nghệ sĩ đảo vai-người trẻ đóng vai già và ngược lại. Vở diễn còn có sự tham gia của nghệ sĩ Minh Phương, Thu Hà, Tùng Linh...

Ê kíp sáng tạo kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện. Thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông sẽ được đưa vào vở diễn với mức độ hợp lý để tạo nên một vũ trụ đậm chất huyền thoại, cổ tích. Thiết kế sân khấu do nghệ sĩ Doãn Bằng đảm trách. Theo lời đạo diễn, để phù hợp đưa vở diễn ra nước ngoài, anh mong muốn sân khấu “trong veo, mỏng manh, bảng lảng”.

Ê kíp chịu chơi khi mời nhóm Ỷ Vân Hiên (chuyên phục dựng và thiết kế cổ phục) thiết kế sân khấu. Nguyễn Đức Lộc-người sáng lập Ỷ Vân Hiên- khẳng định may mắn vẫn có một số tư liệu về dáng dấp trang phục đầu thời Lý. Phục trang sân khấu còn có ngôn ngữ riêng, phù hợp vở diễn.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc cho biết, các nghệ sĩ có khoảng 1 tháng dàn dựng vở, kịp công diễn vào 20/7. Vở diễn được đưa dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc- ASEAN 2019 vào tháng 9 tới, ngoài ra còn có thể tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm.

MỚI - NÓNG