Hướng thiện nơi thâm sơn cùng cốc

Hướng dẫn phạm nhân trong xưởng may. Ảnh: Xuân Tùng
Hướng dẫn phạm nhân trong xưởng may. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Gắn liền với quá trình cải tạo của phạm nhân sau song sắt, những cán bộ quản giáo đã cảm hóa và làm điểm tựa cho những người lầm lỡ hướng thiện. Chúng tôi có dịp lắng nghe những cán bộ quản giáo ở Trại giam Yên Hạ (Phù Yên, Sơn La), chia sẻ về nghề.

Trại giam Yên Hạ tọa lạc tại nơi thâm sơn cùng cốc, ba bề giáp núi. Trại có 3 phân trại nhưng do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên cải tạo toàn phạm nhân nam. Là một trong số những cán bộ trẻ của Trại giam Yên Hạ, đại úy Đinh Văn Chấn (SN 1979) hiện là Phó trưởng Phân trại số 1 và đại úy Đỗ Hữu Xuyên (SN 1979) có hơn chục năm công tác quản giáo.

Cầu nối phạm nhân với chính sách pháp luật

Năm này nối năm khác, anh Chấn và anh Xuyên đã tiếp xúc, giáo dục hướng thiện cho hàng nghìn phạm nhân. Đại úy Chấn cho hay: “Riêng phân trại 1 có hơn 1.000 phạm nhân. Với đặc thù công việc, cán bộ quản giáo tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ với phạm nhân. Trung bình mỗi cán bộ quản giáo quản lý 35 phạm nhân”. Công việc chính của quản giáo là tổ chức xuất - nhập phạm nhân, tổ chức lao động cải tạo và giáo dục tại hiện trường lao động hay tại các nhà lô, phòng giáo dục theo quy định. Tại phân trại 1, đại úy Xuyên được phân công quản lý các phạm nhân gieo trỉa, trồng trọt 5 héc-ta ngô, sắn để phát triển kinh tế, chăn nuôi.

“Qua nghiên cứu hồ sơ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý, chúng tôi tiếp cận giáo dục, cảm hóa phạm nhân ở góc độ ranh giới cán bộ - phạm nhân và trên hết là góc độ tình cảm con người với con người”.

Đại úy Đinh Văn Chấn

Tại Trại Yên Hạ, phạm nhân đa số là người dân tộc vùng sâu vùng xa, hiểu biết hạn chế, không đồng đều là một trong những rào cản trong quá trình tiếp xúc, cải tạo. Theo anh Chấn, cùng một nội dung giáo dục, cải tạo có phạm nhân cảm được, hiểu được, nhưng cũng có người không hiểu được. Do đó, cán bộ quản giáo phải thường xuyên tuyên truyền định hướng trong những giờ giáo dục tập trung hay gặp riêng tại nhà lô nhà lán, hiện trường lao động. “Có thể nói cán bộ quản giáo là cầu nối giữa phạm nhân với chế độ, chính sách pháp luật trong trại”, anh Chấn nói.

Đại úy Xuyên cho biết thêm: “Các cán bộ phải tìm hiểu các phong tục, tập quán, học ngôn ngữ của từng phạm nhân để không gặp khó khăn khi giao tiếp”. Bên cạnh đó, vào cuối buổi chiều trong tuần, trong trại lại phát chương trình phát thanh với 3 bản tin. Trong đó có bản tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách khoan hồng cho các phạm nhân; Bản tin phê bình phạm nhân có hành vi thái độ chưa tiến bộ; Bản tin biểu dương những gương cải tạo tốt. “Bản tin biểu dương có tính chất giáo dục, qua đó dùng những gương cải tạo điển hình để tác động xây dựng thi đua cải tạo tốt trong các phạm nhân”, đại úy Chấn nói.

Không chỉ có những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, công việc của cán bộ quản giáo gặp nhiều thách thức khi phạm nhân cố tình chống đối, bất hợp tác. Anh Chấn cho hay, những phạm nhân khó quản lý, khó cải tạo là đối tượng có tiền án, tiền sự. Đây là những đối tượng có tâm lý phức tạp, luôn tiềm ẩn tính chống đối. Họ cũng rất tinh vi khi vi phạm nội quy trại giam. Đơn cử trường hợp phạm nhân Cà Văn Vui (SN 1987, quê Mường La, Sơn La) bị tù 7 năm về tội cướp tài sản. “Khi mới vào trại, phạm nhân này tỏ vẻ bất cần, ra ngoài lao động luôn kiếm cớ nay ốm mai đau, thậm chí còn đánh nhau với phạm nhân khác”, đại úy Xuyên cho biết.

Đối với những trường hợp này, cán bộ quản giáo phải kiên trì, linh hoạt kết hợp biện pháp cứng là các hình thức giáo dục cưỡng chế với biện pháp mềm giáo dục thuyết phục.

Cảm hóa bằng tình người

Để cảm hóa hướng thiện cho các phạm nhân cần có thời gian và đòi hỏi cán bộ quản giáo tạo được sự gần gũi, tin cậy của đối tượng. Anh Chấn cho rằng: “Một trong những điều giúp công tác cải tạo, cảm hóa có kết quả, cán bộ quản giáo phải nghiên cứu hồ sơ và tiếp xúc nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm lý của phạm nhân để có biện pháp tác động, cảm hóa”. Vào trại, các phạm nhân thường khép mình, nặng nề về tư tưởng như lo lắng cho người thân trong gia đình. Không ít người trở nên khủng hoảng tâm lý khi nhận được đơn ly hôn, không người thăm nom…

Đại úy Xuyên chia sẻ thêm, ở trại có nhiều trường hợp rất éo le. Chẳng hạn, Vàng A Chua (quê Than Uyên, Lai Châu) đi tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Án phí chỉ có 200 nghìn đồng nhưng phạm nhân này cũng không có nộp, trại phải bảo gia đình làm đơn xin xác nhận hoàn cảnh khó khăn ở xã để được miễn nộp. Không những thế, khi Vàng A Chua đi tù, vợ Chua cũng bỏ đi sang Trung Quốc. Hai con nhỏ của Chua ở nhà phải gửi nhờ nhà anh em, họ hàng nuôi dưỡng. Hay Lý Cù San (Sìn Hồ, Lai Châu) bị tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Vợ San cũng chung cảnh ngộ. San tỏ ra chán nản, bất cần, nói với cán bộ trại giam: “Đời cháu chả còn gì nữa”.

Trước những tình cảnh éo le và những vấn đề tâm lý của phạm nhân, những cán bộ quản giáo như anh Xuyên, anh Chấn trở thành điểm tựa tinh thần, nhà tâm lý tư vấn tình cảm, hôn nhân… gỡ rối các vướng mắc để họ vững tâm cải tạo tốt, sớm trở về làm lại cuộc đời.

MỚI - NÓNG