Huawei sa thải nhân viên bị bắt tại Ba Lan vì cáo buộc gián điệp

Ông Wang weijing, nhân vật cao cấp của Huawei tại Ba Lan đã bị sa thải một ngày sau khi bị Ba Lan cáo buộc làm gián điệp.
Ông Wang weijing, nhân vật cao cấp của Huawei tại Ba Lan đã bị sa thải một ngày sau khi bị Ba Lan cáo buộc làm gián điệp.
TPO - Ngày 12/1, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei đã sa thải nhân viên vừa bị bắt tại Ba Lan vì cáo buộc gián điệp nhằm lại dịu bớt mối lo ngại của châu Âu về công ty này.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinskia đã kêu gọi Liên minh châu Âu và NATO hãy làm việc với nhau để loại Huawei ra khỏi thị trường của họ sau vụ nhân viên của Huawei, cựu quan chức an ninh Ba Lan vừa bị bắt.

Huawei sa thải nhân viên bị bắt tại Ba Lan vì cáo buộc gián điệp ảnh 1 Logo của Huawei tại Ba Lan
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hiện đang phải đối mặt với sự giám sát mạnh mẽ ở phương Tây về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và các cáo buộc của Mỹ cho rằng các thiết bị của họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp.

Không có bằng chứng nào được đưa ra công khai và công ty đã liên tục phủ nhận các cáo buộc, nhưng một số nước phương Tây đã hạn chế quyền thâm nhập thị trường của Huawei.

Hồi tháng 8 năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và đang cân nhắc một lệnh hành pháp cấm các tất cả công ty Mỹ làm như vậy.

Ông Brudzinski cho biết, Ba Lan muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc nhưng cần có một cuộc thảo luận về việc có nên loại Huawei khỏi một số thị trường hay không.

Nhằm tránh xa sự cố mới này, Huawei cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã sa thải Wang Weijing, người có hành động bị cáo buộc tại Ba Lan, nhưng không liên quan đến công ty. Tuyên bố viết: “Theo các điều khoản và điều kiện của hợp đồng lao động Huawei, chúng tôi đã đưa ra quyết định này vì sự cố này đã khiến Huawei rơi vào tình trạng bất ổn. Huawei tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia nơi nó hoạt động và chúng tôi yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ luật pháp và các quy định tại các quốc gia nơi họ đặt trụ sở”.

Người phát ngôn của Huawei, Joe Kelly, từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Người phát ngôn của cơ quan an ninh Ba Lan cho biết, những cáo buộc đối với ông Wang Weijing  liên quan đến hành động cá nhân và không liên quan trực tiếp với công ty Huawei. Tuy nhiên, một thứ trưởng Bộ Kỹ thuật số Ba Lan cho biết, Warsaw đang phân tích bất kỳ sự tham gia nào của Huawei vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Ba Lan.

Theo các nhà phân tích, bất kỳ quyết định nào của các chính phủ phương Tây về việc loại trừ Huawei khỏi thị trường của họ sẽ phải xem xét tác động có thể của nó đối đối với tốc độ và chi phí phát triển 5G.

Chuyên gia bảo mật Jan-Peter Kleinhan tại Stiftung Neue Verantwortung cho biết, các nước phương Tây nên tận dụng cơ hội này để tính toán cho kỹ sao cho đảm bảo được cơ sở hạ tầng 5G tốt nhất với rủi ro ít nhất.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và đang thúc giục Ba Lan xử lý vụ việc một cách công bằng.

Theo hồ sơ trên tài khoản LinkedIn của Wang Weijing, ông đã làm việc cho bộ phận Huawei tại Ba Lan từ năm 2011 và trước đây từng là tùy viên của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Gdansk, Ba Lan từ năm 2006-2011.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG