Vụ bắt CFO Huawei và sự thống trị của Mỹ với tài chính toàn cầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran tại Nhà Trắng vào ngày 8/5. Các lệnh trừng phạt từng được dỡ bỏ vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhâ. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran tại Nhà Trắng vào ngày 8/5. Các lệnh trừng phạt từng được dỡ bỏ vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhâ. Ảnh: AFP.
Vụ bắt giữ CFO Huawei một lần nữa cho thấy Mỹ có thể sử dụng các biện pháp tài chính để áp đặt chính sách ngoại giao trên thế giới, và Trung Quốc đang muốn thoát ra khỏi điều này.

Căng thẳng trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung được đưa lên một nấc thang mới với vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu tại Canada. Vụ việc còn cho thấy Mỹ vẫn thống trị thị trường tài chính toàn cầu và dùng lợi thế đó tăng cường tầm ảnh hưởng địa chính trị.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa giảm nhiệt và Trung Quốc, dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cảm thấy vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể từng bước xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế để làm đối trọng cho những đồng bạc xanh.

Thế thượng tôn của Mỹ

Theo South China Morning Post, sau 70 năm thúc đẩy toàn cầu hóa, thương mại tự do và bảo vệ đồng minh chiến lược, Mỹ đã đột ngột thay đổi lập trường dưới thời Tổng thống Trump và có cách tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn. Việc này đã đặt ra một câu hỏi, liệu thế giới đã sẵn sàng cho sự thay đổi và liệu có khả năng khuôn khổ mới được thiết lập?

Ông Richard Jerram, kinh tế trưởng Ngân hàng Singapore, nhận định: “Nếu tất cả những thiết chế này không còn được coi là ổn định, bạn sẽ phải tìm cách bảo vệ bản thân mình và xây dựng một cơ cấu thay thế. Tổng thống Trump đang thúc đẩy chính sách 'Nước Mỹ Trên hết' và bạn không thể hy vọng nước Mỹ sẽ mở cửa biên giới cho hoạt động thương mại".

"Bạn cũng không thể dựa vào Tổ chức Thương mại Thế giới, Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đó là lý do tại sao nhiều nước đang tìm kiếm một phương án khác”.

Chuyên gia này cho rằng: “Trong một thế giới phân mảnh vì trật tự đa phương, các quốc gia sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào Mỹ”.

Giới chức Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu vào ngày 1/12 theo yêu cầu của các công tố viên New York. Giám đốc tài chính Huawei bị cáo buộc liên quan trực tiếp đến việc tập đoàn này sử dụng công ty con không chính thức, che giấu các hoạt động làm ăn với Iran để lách lệnh cấm vận của Mỹ và EU.

Các công tố viên cho rằng bà Mạnh đã trực tiếp nói dối các ngân hàng, tuyên bố các hoạt động giao dịch với Iran không liên quan đến Huawei.

Lệnh cấm vận của Mỹ xử phạt tất cả các công ty nước ngoài làm ăn với Iran từng được dỡ bỏ vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama (đã được tái áp đặt vào tháng 11/2018), nhưng lý do khiến bà Mạnh bị bắt là một bản thuyết trình của bà với các quản lý của ngân hàng HSBC vào năm 2013, trong đó phủ nhận sự liên quan của Huawei với Skycom, công ty có trụ sở ở Hong Kong làm ăn với Iran.

Phía Mỹ cho rằng Skycom thực tế hoạt động với tư cách là chi nhánh của Huawei tại Iran.

Lệnh cấm vận kinh tế kiểu này là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính phủ Mỹ trong việc áp đặt các chính sách ngoại giao trên toàn thế giới. Bản chất bao trùm và phức tạp của hệ thống tài chính Mỹ khiến cho các ngân hàng quốc tế phải tuân theo quy định của Mỹ khi tạo điều kiện cho những giao dịch bằng USD với những quốc gia bị trừng phạt. Tất cả giao dịch đều phải được thông qua ngân hàng đại diện ở Mỹ, do đó nó đi qua hệ thống tài chính Mỹ và chịu sự kiểm soát của luật pháp Mỹ.

Điều này làm cho các ngân hàng không thể làm ăn với các quốc gia bị cấm vận, khiến những nước này bị cô lập khỏi thị trường tài chính quốc tế, nơi bị thống trị bởi những đồng USD. Sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến cho các ngân hàng phải rất cảnh giác, dù cho là những thương vụ làm ăn không liên quan trực tiếp đến Mỹ, không tổ chức nào muốn bị phát hiện vi phạm lệnh cấm vận của quốc gia này vì họ sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt hàng tỷ USD.

Cơ quan phụ trách việc tung ra các lệnh cấm vận là Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nơi khiến rất nhiều cá nhân và tổ chức đã phải chịu những hình phạt nặng nề.

Năm 2014, ngân hàng Pháp BNP Paribas đã phải nộp khoản tiền phạt 8,97 tỷ USD vì vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, Sudan và Cuba. Commerzbank, ngân hàng lớn ở Đức cũng phải đóng 260 triệu USD vào năm 2015 vì vi phạm lệnh cấm vận với Iran, Sudan, Cuba và Myanmar. Cả hai ngân hàng này đều không liên quan trực tiếp đến việc vận chuyển hàng hóa, nhưng đã tạo điều kiện để các giao dịch bằng dollar được thực hiện. Những ngân hàng nước ngoài khác từng phải nhận trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản), RBS (Anh), HSBC (Anh), Intesa Sanpaolo (Italy), ING (Hà Lan) và Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi (UAE).

Hành động trừng phạt quyết liệt của chính phủ Mỹ đã khiến các ngân hàng quốc tế dè chừng hơn nhiều, những năm gần đây họ đã rút lui khỏi hoạt động thương mại ở các quốc gia nhạy cảm, nơi việc giao dịch có khả năng vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Mỹ cũng có một công cụ khác để kiểm soát giao dịch tài chính thế giới bằng đồng dollar, đó là SWIFT, Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế có trụ sở tại Bỉ. Hệ thống này liên kết hơn 10.000 ngân hàng trên khắp thế giới và là phần mềm phổ biến được sử dụng để giao dịch liên ngân hàng. Dữ liệu từ các giao dịch trên SWIFT được sử dụng bởi chính phủ Mỹ để phát hiện các giao dịch vi phạm lệnh cấm vận của nước này. Tổ chức vi phạm sẽ không còn là thành viên của SWIFT và không thể tiếp cận nguồn tài chính quốc tế.

Sau khi chính phủ của ông Trump chính thức tái áp đặt lệnh cấm vận với Tehran vào tháng trước, Ngân hàng Trung ương Iran đã mất kết nối với SWIFT.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng về việc thiết lập một hệ thống tài chính thay thế đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhiều quốc gia cảm thấy mình trở thành con tin của những đồng dollar khi Mỹ trở nên lạnh nhạt với trật tự toàn cầu mà họ đã từng ủng hộ thiết lập.

Nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini gần đây cho biết một hệ thống tạo điều kiện cho những giao dịch không phải bằng USD với Iran, không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với nước này, sẽ có thể được thiết lập vào cuối năm để tạo điều kiện cho các tập đoàn châu Âu thực hiện các giao dịch với quốc gia hồi giáo.

Vụ bắt CFO Huawei và sự thống trị của Mỹ với tài chính toàn cầu ảnh 1

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong một cuộc gặp tại Vienna vào tháng 7/2018. EU phản đối việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và cho biết sẽ tạo cơ chế đặc biệt để cho phép các công ty giao dịch tài chính với Tehran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ

Trong khi đó, khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cùng Nam Phi) từ lâu đã mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống lại các hoạt động thương mại và tài chính trong khối này. Trung Quốc đứng sau việc thành lập Ngân hàng Phát Triển Hạ tầng châu Á (AIIB) và coi đây là đối trọng tương lai của Ngân hàng Thế giới, cơ quan bị chi phối rất nhiều bởi Mỹ và đồng minh.

Mặc dù vậy, chưa có bước tiến nào đáng kể của nhóm này trong việc tạo ra sự thay đổi trong thanh toán quốc tế.

Ông Hayden Briscoe, một chuyên gia của nhánh quản lý tài sản, ngân hàng UBS cho biết: “Trung Quốc từ lâu đã nhận ra họ mất kiểm soát với năng lượng, an ninh và thương mại vì tất cả những thứ này đều được thanh toán bằng đồng dollar. Họ không muốn giao dịch bằng dollar, muốn chuyển sang dùng NDT để có thể gia tăng kiểm soát”.

Việc đồng USD là ngoại tệ dự trữ chính của hầu hết quốc gia trên thế giới cho phép nước Mỹ có thể thâm hụt ngân sách vô thời hạn mà vẫn có thể tiếp tục in tiền, vì các ngân hàng trung ương trên thế giới dùng trái phiếu chính phủ Mỹ để dự trữ.

Truyền thống này được hình thành vào những năm 1970, sau khi Mỹ đạt thỏa thuận mua dầu từ Saudi Arabia và đổi lại, chính phủ Saudi sẽ dùng hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ để mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ. Đến cuối tháng 6 năm nay, chính phủ Mỹ nợ Saudi Arabia 164,9 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với hơn 1 nghìn tỷ USD.

Theo số liệu của IMF, cho đến hết quý 2/2018 có khoảng 62% dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới được giữ bằng đồng USD. 43% số giao dịch trên SWIFT được thực hiện bằng đồng USD. Số liệu của SWIFT cũng cho thấy 98% các hoạt động thanh toán gửi từ Mỹ đến Trung Quốc được định giá bằng đồng USD.

Vào năm 2015, trong một nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào USD, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một hệ thống thanh toán quốc tế được phát triển trong nước cho các giao dịch được định giá bằng đồng nhân dân tệ.

Các ngân hàng Trung Quốc và những ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở Trung Quốc được kết nối với thứ gọi là Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS), nhưng chỉ có duy nhất một ngân hàng ngoài Trung Quốc đại lục tham gia vào hệ thống này đó là chi nhánh Hong Kong của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China Hong Kong).

Cũng giống như các hệ thống khác được kỳ vọng sẽ thay thế đồng USD, CIPS chưa thể trở nên phổ biến. Các chuyên gia cho rằng để cho các ngân hàng quốc tế sử dụng hệ thống này, nó cần phải được nâng cấp về mặt hạ tầng kỹ thuật.

Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc mở cửa thị trường quốc nội để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các tài sản được định giá bằng đồng nhân dân tệ. Nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ số tài sản được định giá bằng đồng nhân dân tệ trị giá 100 tỷ USD vào tháng 9, so với con số 70 tỷ USD vào tháng 8 và 50 tỷ USD vào tháng 7, theo số liệu của ngân hàng UBS. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào 400 tỷ USD trái phiếu nhân dân tệ trong tháng 9, con số này của tháng 8 là 750 tỷ USD và tháng 7 là 200 tỷ USD.

Vụ bắt CFO Huawei và sự thống trị của Mỹ với tài chính toàn cầu ảnh 2

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đóng góp vào gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ông Rene Buehlmann, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty quản lý tài sản UBS, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi tài sản Trung Quốc mặc dù cuộc chiến thương mại vẫn đang diễn ra và đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Lý do của việc này là niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Trong năm 2018, Trung Quốc là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho sự gia tăng GDP toàn cầu, với 27,2% tăng trưởng kinh tế thế giới diễn ra ở đây. Mặc dù vậy, các thanh toán được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 1% giao dịch tài chính toàn cầu, và số dự trữ bằng đồng tiền này của các ngân hàng trung ương chỉ chiếm 1,8%.

Cho đến khi một hệ thống thanh toán thay thế đồng USD được thiết lập toàn diện, Mỹ vẫn là bên quyết định ai có thể hoặc không thể tham gia vào thị trường tài chính thế giới. Nếu giám đốc tài chính Huawei bị kết luận vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, công ty này sẽ bị cô lập, và những tổ chức tài chính có quan hệ làm ăn với Huawei cũng có khả năng phải đối mặt với sự giận dữ từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.