Trao đổi với PV, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Hơn 10 năm qua, việc tổ chức bộ máy của các bộ trong Chính phủ được thực hiện theo phương án tổ chức bộ đa ngành. Ngoài một số kết quả, theo ông Mão, vẫn còn nhiều hạn chế như phân công một số chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ chưa hợp lý, còn chồng chéo.
Cũng theo ông Vũ Mão, phương án tổ chức này được áp dụng với điều kiện các bộ không còn quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Mão, đến nay về cơ bản bộ vẫn quản lý doanh nghiệp nhà nước như trước. Vì quá tải nên đã phải thành lập các tổng cục trong bộ, làm cho bộ máy cồng kềnh, dẫn tới hiện tượng “bộ nhỏ nằm trong bộ lớn”, biên chế không những không giảm mà lại tăng lên.
Theo ông Mão, cần nghiên cứu hoàn thiện Luật Tổ chức Chính phủ trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của tập thể Chính phủ, cá nhân các thành viên Chính phủ. Đồng thời trong luật phải quy định rõ Chính phủ có bao nhiêu bộ và chức năng nhiệm vụ cụ thể của mỗi bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể hợp nhất Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính
Cụ thể, ông Mão cho rằng, có thể nghiên cứu theo hướng: thành lập Bộ Kế hoạch và Tài chính trên cơ sở nhập Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính; đồng thời thành lập Bộ Đất đai – Thủy lợi – Xây dựng – Môi trường; thành lập Bộ Giáo dục và Khoa học trên cơ sở nhập Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN.
Trên cơ sở đó sẽ giải thể Bộ TN&MT vì vấn đề đất đai, tài nguyên nước và môi trường đã nằm trong bộ mới, còn vấn đề tài nguyên đưa về các bộ tương ứng như khoáng sản đưa về Bộ Công Thương.
“Theo phương án này sẽ chì còn 15 bộ và 4 cơ quan ngang bộ”, ông Vũ Mão cho hay.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho biết, ngay từ khóa trước, ông đã đề nghị sáp nhập một số bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng, như hợp nhất Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính, Bộ GTVT với Bộ Xây dựng.
Bởi theo ông, cả Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. Một bộ xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một bộ thực thi tổ chức nguồn lực ấy nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách.
Theo ông Vân, sau khi sáp nhập hai bộ này, có thể lấy tên gọi Bộ Kế hoạch - Tài chính. Tương tự với Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, sau khi hợp nhất có thể gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.
Ông Vân cũng cho rằng, khi nói đến sáp nhập, các bộ, tỉnh sẽ “giật mình” vì đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của họ. Theo ông Vân, để tạo ra sự đồng thuận quan trọng nhất là nhận thức: "Phải làm cho họ thấu tỏ, thuyết phục, từ đó mới điều chỉnh hành vì".
Để giải bài toán này, theo đại biểu Vân, cần xây dựng một đề án cụ thể, rà soát lại để phân loại, thiết lập các bộ chủ quản theo nhóm. Trên cơ sở đó có thể chia thành ba khối: hành chính chính trị, hành chính công vụ và hành chính tư pháp.
Nhiệm kỳ khóa XIV, Chính phủ đang có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó bao gồm 18 bộ là: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, TN&MT, TT&TT, LĐTB&XH, VHTT&DL, KH&CN, GD&ĐT, Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Uỷ ban Dân tộc, NHNN, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.