ĐB Quốc hội: 'Sáp nhập tỉnh, tư tưởng không thông đeo bình tông cũng thấy nặng'

Hà Tây sáp nhập về Hà Nội sau 10 năm là một bài học, cần tổng kết đánh giá
Hà Tây sáp nhập về Hà Nội sau 10 năm là một bài học, cần tổng kết đánh giá
TPO - Viện dẫn câu nói “Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng thấy nặng”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, muốn thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh thành công, trước tiên cần phải được đả thông tư tưởng.  

Đề xuất sáp nhập hàng chục tỉnh có quy mô dân số nhỏ đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm với những quan điểm khác nhau. Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, người từng xuống cơ sở, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và đúc rút từ thực tiễn giám sát, cho rằng đề xuất hợp nhất các tỉnh có quy mô dân số nhỏ hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo đại biểu Vân, cần phải làm hết sức bài bản, thận trọng, trên cơ sở tổng rà soát lại về quy mô dân số, tiềm năng phát triển, lợi thế chính trị, kinh tế, địa lý… “Cần phải có điều tra cơ bản mới tính tới chuyện sáp nhập hoặc chia tách. Đặc biệt, mô hình quản lý đó phải phù hợp với ưu thế vượt trội của từng vùng”, ông Vân nhấn mạnh.

Một khía cạnh khác vô cùng quan trọng được nêu ra, khi nói đến sáp nhập, những đơn vị thuộc đối tượng sáp nhập sẽ “giật mình”, vì đụng trực tiếp đến lợi ích của họ. Do vậy, để tạo ra sự đồng thuận, quan trọng nhất là nhận thức, phải làm cho họ thấu tỏ, thuyết phục, từ đó mới điều chỉnh hành vị. “Tư tưởng không thông thì đeo bình tông cũng thấy nặng. Khi nhận thức đã rõ thì sự đồng thuận sẽ cao”, ông Vân nhìn nhận.

Để làm được điều này, trước tiên cần tổng kết đánh giá sau 10 năm Hà Tây sáp nhập Hà Nội, xem những mặt được ra sao và những vấn đề còn tồn tại thế nào, đặc biệt cần phải xem văn hóa Xứ Đoài có thích nghi được với văn hóa Kinh Kỳ không?

“Chỉ sau khi đánh giá mới thấy việc sáp nhập đã hợp lý chưa, tầm xa hơn có thích nghi được không. Từ đó lấy kinh nghiệm để tổ chức lại các đơn vị hành chính ở những địa bàn khác”, ông Vân nêu.

Từng trao đổi với PV về đề xuất sáp nhập tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, chứ chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. “Có những nội dung áp dụng làm ngay, cũng có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những vấn đề chuẩn bị cho đại hội XIII”, Bộ trưởng Tân lý giải.

Vừa qua, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã “bật đèn xanh”, khi cho rằng sau 10 năm Hà Tây sáp nhập Hà Nội là một bài học sống động, cho thấy quyết sách đúng đắn, thành công, hiệu quả và khó mấy cũng có thể làm được.

Ông cũng nói thêm, việc sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, và một số nơi đã đang nghiên cứu sáp nhập thôn bản, xã, huyện để giảm biên chế, giảm bộ máy.

Trước đó, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, với những tỉnh có dân số dưới 800 nghìn người thì có thể tính toán sáp nhập lại với nhau.

Nếu thực hiện đề xuất này thì sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức từ đó tiết kiệm chi thường xuyên hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra khi sáp nhập việc tiếp kiệm trong sử dụng tài sản công cũng là rất lớn.

Theo tính toán của đại biểu, sau khi sáp nhập có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp.

MỚI - NÓNG