Hà Tây sáp nhập về Hà Nội được, sao tỉnh khác lại không?
Vấn đề hợp nhất đơn vị hành chính, hay các bộ tương đồng để tinh giản biên chế, bộ máy là vấn đề luôn được quan tâm trong thời gian qua. Bài học về việc hợp nhất Hà Tây về Hà Nội được đề cập đến tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, vừa được diễn ra.
Về việc này, trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đồng Tháp cho rằng, để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước, có thể xem xét, đưa ra lộ trình sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng, và có thể sáp nhập những tỉnh dân số thấp.
Theo quan điểm của ông Hòa, những tỉnh nào có dân số thấp, từ 700 – 800 nghìn người trở xuống đều có thể tính toán sáp nhập. Việc sáp nhập tỉnh nên được triển khai trước so với việc sáp nhập các bộ tương đồng. Chủ trương sáp nhập tỉnh, có thể dựa trên những kết quả, kinh nghiệm từ việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội sau 10 năm.
Theo Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dân số lớn như vậy nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, không lý do gì các tỉnh khác lại không.
Tất nhiên khi sáp nhập cũng có những phần khó khăn nhất định, như về vấn đề nhân sự, bộ máy, nhưng có thể khắc phục được.
Tại hội nghị quán triệt các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cũng cho rằng, khi bàn sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội khó khăn vô cùng, nhất là các yếu tố truyền thống, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ. Tuy nhiên sau gần 10 năm, việc sáp nhập này cho thấy quyết sách đúng đắn, thành công, hiệu quả.
“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được ? Hà Tĩnh hiện nay đang sáp nhập thôn bản. Tỉnh Hòa Bình đang nghiên cứu nhập xã. Ở một số nơi đang nghiên cứu sáp nhập huyện. Sáp nhập cái là giảm ngay đội ngũ. Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư nêu.
Có thể sáp nhập hàng chục tỉnh
Theo tính toán của ông Phạm Văn Hòa, nếu dựa vào tiêu chí dân số, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp.
Nếu căn cứ vào quy mô dân số vào năm 2015 thì có thể thấy rất nhiều tỉnh có dân số rất thấp, chỉ trên dưới 500 nghìn, điển hình như các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu; nhiều tỉnh có quy mô dân số trên dưới 600 nghìn, như Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Trị. Đáng lưu ý, tỉnh Bắc Kạn dân số chỉ trên 300 nghìn người.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, những đơn vị hành chính có quy mô dân số thấp đa phần thuộc về những tỉnh miền núi, tập trung nhiều ở phía bắc, có điều kiện địa hình, đi lại tương đối khó khăn. Vậy việc sáp nhập có gặp trở ngại?
Lý giải về việc này, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, khi sáp nhập, điều kiện đi lại của người dân, chẳng hạn khi đi làm các thủ tục hành chính, hay cán bộ đi xuống cơ sở cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư tốt hơn, tất nhiên ở đồng bào miền núi thì điều kiện có khó khăn hơn.
Vấn đề quan trọng là, sau sáp nhập, trách nhiệm của cán bộ với công việc, với người dân như thế nào, có chịu đi xuống địa bàn khó khăn không, có bám sát địa bàn, có gần gũi với người dân không? Lúc đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, con người, nhưng sau đó sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường.
“Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất có thể mang lại khi sáp nhập là hiệu quả về tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã giảm… Mỗi tỉnh sáp nhập, có thể giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm”, ông Hòa nhìn nhận.
Theo đại biểu, số tiền tiết kiệm từ chi thường xuyên sau sáp nhập, có thể dùng để phục vụ cho an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém, như thế là người dân hưởng lợi.