- Vừa qua kịch Phú Nhuận kỷ niệm 15 năm thành lập, dấu mốc này mang đến cho chị cảm xúc gì?
- Trước khi tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm, sân khấu kịch Phú Nhuận phải dừng diễn hai tháng chờ sửa chữa. Ban đầu, tôi định cho dấu mốc này trôi qua luôn. Nhưng nghĩ lại, nếu không làm kỷ niệm tôi sẽ rất áy náy. 15 năm gắn bó với một sân khấu đâu phải chuyện đơn giản.
Điểm diễn này như ngôi nhà chung của không ít anh em nghệ sĩ, như "đứa con" tôi dứt ruột đẻ ra. Bởi vậy, tôi phải cố gắng tổ chức sự kiện cho chu đáo. Làm chương trình xong, tôi thấy nhẹ lòng vì hoàn thành tâm nguyện tưởng khó thực hiện được.
Chỉ có điều tôi tiếc là chương trình kỷ niệm diễn ra trong thời điểm sân khấu Phú Nhuận nói riêng và sân khấu TPHCM nói chung suy thoái về nhiều mặt.
Nói thật, tôi vui vì khép lại chặng đường 15 năm mình đã có ít nhiều đóng góp cho mặt bằng nghệ thuật - giải trí của TP HCM. Nhưng tôi chưa dám nói mình lạc quan về chặng đường tiếp theo.
Năm 2012, Hồng Vân được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân...
- Vì sao chị không tự tin khi nghĩ về chặng đường hoạt động sắp tới?
- Sân khấu của TP HCM đang trong giai đoạn rất khó khăn. Khán giả ngày nay ít đi xem kịch hơn, một phần cũng vì sức tấn công của các chương trình truyền hình và rất nhiều loại hình giải trí khác. Tiền thuê rạp tăng lên đỉnh điểm, sân khấu thiếu hụt nghệ sĩ "đinh" vì nghệ sĩ giờ bận rất nhiều việc: đóng phim, diễn hài, tham gia chương trình truyền hình thực tế...
Hiện tôi quản lý hai điểm diễn: sân khấu Phú Nhuận và kịch Superbowl, Tân Bình. Cả hai đều chịu tác động của tình hình chung. Tôi đang chuẩn bị thương thảo ký tiếp hợp đồng thuê sân khấu Phú Nhuận với đối tác.
Nhưng nếu họ nâng giá thuê địa điểm lên cao quá, chắc tôi khó lòng duy trì nổi. Tôi vẫn đang xoay sở để hoạt động. Nhưng đến khi không còn kham nổi thì chắc phải đóng cửa thôi chứ biết làm sao? Điểm diễn sân khấu Super Bowl ở Tân Bình thì "dễ thở" hơn vì đối tác giao cho tôi toàn bộ sân khấu để sử dụng.
Đôi khi người ta phải có thần kinh thép mới chịu được áp lực của việc làm "bầu" sân khấu. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, sức khỏe cũng không còn được như thời xưa năng động. Giờ tôi duy trì hoạt động được đến bao lâu thì sẽ cố gắng. Điều làm tôi vui là vẫn có nghệ sĩ trụ lại với nghề.
Họ có thể là nghệ sĩ thành danh nhưng thủy chung với sàn diễn, hoặc đó là các học sinh ngành sân khấu do tôi và đồng nghiệp mình đào tạo. Một lần trong tuần, họ tự nguyện giảm phần lương để chia sẻ với tôi. Họ đều muốn cố gắng để làm sao để sân khấu của tôi sáng đèn, vì nếu tôi cứ phải bù lỗ hoài tôi sẽ "chết".
- Lý do gì chị vẫn chưa buông tay với sân khấu?
-Tôi không thể nào buông một nơi mình xem như "núm ruột". Ngoài ra, còn rất nhiều người gắn bó với nơi này, từ các diễn viên, nhân công, hậu đài...
Nếu sân khấu đóng cửa, họ sẽ mất công việc gắn bó bao lâu nay. "Đất" cho diễn viên trẻ làm nghề cũng bị thu hẹp. Nếu chỉ lo cho mình, tôi chỉ cần tập trung đi diễn, chạy show kiếm tiền để đầu óc nhẹ nhàng hơn vì riêng hoạt động của một nghệ sĩ, tôi đã quá bận rộn.
Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện tìm người kế thừa, thay mình quản lý sân khấu. Nhưng chưa tìm được. Tìm đâu ra những Ái Như - Thành Hội, những Thành Lộc, Huỳnh Anh Tuấn mới? Những người thuộc thế hệ đi trước đã và đang cố hết sức giữ cho sân khấu sáng đèn với tất cả tấm lòng và tâm huyết của họ rồi.
Hồng Vân được xem là bà bầu "mát tay" và thành công trong làng kịch Sài Gòn 15 năm qua. Chị đang là Đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM (nhiệm kỳ 2012-2016).
- Theo chị, để vực dậy hoạt động của sân khấu, giải pháp nằm ở đâu?
- Nếu xem thị phần nhu cầu giải trí của người dân TP HCM là một "miếng bánh" thì "miếng bánh" đó đang ngày càng nhỏ đi so với sự phát triển của quá nhiều loại hình.
Bây giờ người người làm phim, làm sân khấu, băng đĩa, giải trí trên mạng Internet "bùng nổ", chưa kể rất nhiều loại hình giải trí tự phát khiến giá trị thực ảo lẫn lộn... Sân khấu phải gồng mình trước rất nhiều cạnh tranh.
Ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động vươn lên của mỗi đơn vị, để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay, loại hình này rất cần một sự hỗ trợ mang tính thiết thực, tổng thể và có trọng điểm hơn từ cơ quan chức năng ngành văn hóa.
Là Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM, tôi hiểu kinh phí dành cho phát triển văn hóa - văn nghệ của thành phố đang eo hẹp. Nhưng nếu để mười năm sau nữa mới nghĩ đến chuyện vực dậy văn hóa thì e sẽ trễ.
Hiện nay, để một sân khấu tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả thì nơi đó rất cần một điểm tựa, cần được "nuôi" một thời gian để họ yên tâm làm nghề.
- Ở tuổi 50, dấu ấn tuổi tác tác động đến đam mê nghề nghiệp của chị ra sao?
- Tôi thấy mình phải chăm lo sức khỏe bản thân nhiều hơn, điều tiết giữa làm việc và nghỉ ngơi, làm gì cũng cần phải lượng sức chứ không lao vào như "thiêu thân". Còn trăn trở và ấp ủ với nghề của tôi vẫn đầy ắp.
Tôi thường nói với các bạn ở sân khấu của mình nếu tôi là đại gia, luôn có tiền tỷ trong người thì tôi sẽ dàn dựng, biểu diễn thường xuyên các tác phẩm sân khấu như: Nỏ thần, Người đàn bà uống rượu hoặc những vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng...
Tôi sẽ mời khán giả đến sân khấu xem miễn phí định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, nhất là đối tượng học sinh. Có thể ban đầu họ chưa thích xem kịch nhưng với các vở chất lượng, dần dần họ sẽ thích và có thói quen đến với sân khấu.
Sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân thành lập khoảng cuối năm 2000. 15 năm qua, đơn vị sân khấu xã hội hóa này được nhìn nhận là một trong số đơn vị phát triển mạnh của TP HCM.
Kịch Phú Nhuận dàn dựng hơn 75 tác phẩm, trong đó có nhiều vở diễn giải trí đạt doanh thu tốt, song song với các vở đạt chất lượng nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao, như: Nỏ thần, Số đỏ, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây…
Kịch Phú Nhuận còn là nơi góp phần đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn giỏi trong nước như: Đức Thịnh, Thái Hòa, Cát Phượng, Thanh Thúy, Xuân Trang, Diệp Tiên, Mạnh Phúc, Quốc Nam, Kim Huyền, Hòa Hiệp...