Đạo diễn Chua Soo Pong (giữa) thị phạm cảnh chôn hoa.
"Hồng lâu mộng” (Tào Tuyết Cần) là một trong “tứ đại danh tác” của Trung Quốc. Phim “Hồng Lâu Mộng” bản 1987 của đạo diễn Vương Phù Lâm (Trung Quốc) cũng thuộc hàng “kinh điển”. Đây cũng là bản đã từng phát sóng ở Việt Nam, tạo hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả. Nhưng đạo diễn Chua Soo Pong tỏ ra không ngần ngại khi lần đầu dựng “Hồng Lâu Mộng” trên sân khấu Việt: “Khán giả Việt Nam đã xem phim “Hồng Lâu Mộng” trên ti vi. Bộ phim phản ánh nhiều góc cạnh khác nhau. Còn vở “Hồng Lâu Mộng” mà tôi dựng chỉ tập trung 3 nhân vật: Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Giả Bảo Ngọc”.
Đau đầu tìm mỹ nhân?
Ở bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng” dài 36 tập, trong quá trình tuyển diễn viên, đạo diễn Vương Phù Lâm đưa ra yêu cầu: “Không biết diễn kịch không thành vấn đề, mấu chốt là phải giống nhân vật trong nguyên tác”. Đạo diễn người Singapore lại làm điều ngược lại khi tuyển diễn viên cho vở kịch: Thuyết phục người xem bằng năng lực diễn xuất. Ông cho biết: Đây là lần thứ ba ông dựng “Hồng Lâu Mộng”. Hai lần đầu ông đều dựng ở Singapore. Thú vị ở chỗ: Ba lần dựng “Hồng Lâu Mộng” ra ba phiên bản khác nhau. “Năm 1987, tôi dựng Hồng Lâu Mộng ở Singapore, các diễn viên chỉ 14, 15 tuổi, duy nhất một diễn viên 17 tuổi. Tôi mất một năm rưỡi dựng vở này cho đoàn kịch học sinh trung học”, đạo diễn Chua Soo Pong nhớ lại. Nếu ở sân khấu Singapore, ông Chua Soo Pong chọn lát cắt nói về Vương Hy Phượng khi phát hiện chồng có tình nhân thì ở Việt Nam ông chọn mối quan hệ Lâm Đại Ngọc- Giả Bảo Ngọc- Tiết Bảo Thoa làm điểm nhấn. Đương nhiên, lựa chọn này của Chua Soo Pong sẽ giúp ông có được lợi thế dễ hút khán giả Việt hơn nhưng đặt ra thách thức không nhỏ.
Kể cả có tiến hành một buổi tuyển diễn viên công khai như khi Vương Phù Lâm làm phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng”, Chua Soo Pong cũng khó tìm được một vẻ đẹp u buồn, một tâm hồn thi sĩ như Trần Hiểu Húc để thành một Lâm Đại Ngọc kinh điển nhất làng giải trí Hoa ngữ. Nói đến chuyện tìm diễn viên có dung mạo phù hợp với nhân vật trong tiểu thuyết, Chua Soo Pong thừa nhận: “Đau đầu”. Chưa nói đến dung mạo, tuổi tác của diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam cũng khó đáp ứng yêu cầu: “Nhà hát Kịch Việt Nam ít diễn viên trẻ phù hợp với tuổi đời các nhân vật chính nên chủ yếu dựa vào khả năng diễn xuất của diễn viên”, đạo diễn Chua Soo Pong chia sẻ.
Cũng phải nói thêm, vở kịch “Hồng Lâu Mộng” được các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tập trong trong vòng một tháng trước khi công diễn. Theo NSND Lệ Ngọc (vai Giả Mẫu) sự thần tốc này ít nhiều mang tính “nguy hiểm”. Nhưng bà tin tưởng vào thành công của vở diễn, bởi các diễn viên tham gia đều đam mê và có năng lực. Thí dụ, trường hợp Diễm Hương, “nữ diễn viên bị ghét nhất màn ảnh” bởi thường vào những vai đanh đá, ghê gớm, lần này đã được “chọn mặt gửi vàng” với vai Lâm Đại Ngọc, người con gái tuyệt sắc, mong manh, yếu đuối, có tài thơ phú. NSND Lệ Ngọc cho rằng: Bỏ qua vấn đề dung nhan gây tranh cãi thì Diễm Hương là lựa chọn đúng đắn cho vai Lâm Đại Ngọc, bởi cô là một diễn viên vững nghề, “khó có diễn viên trẻ nào qua mặt được”. Trước đó, Diễm Hương từng vào vai Thúy Kiều trong vở “Chuyện nàng Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Hai nam diễn viên trẻ Tô Tuấn Dũng và Vũ Ba Duy vào vai Giả Bảo Ngọc. Không có hình thức giống con gái như trong phim của đạo diễn Vương Phù Lâm, Giả Bảo Ngọc của đạo diễn Chua Soo Pong có vẻ ngoài nam tính hơn nhiều.
Tiết Bảo Thoa không nhạt!
Khi xem phim “Hồng Lâu Mộng” bản 1987, nhiều khán giả Việt thổn thức cùng Lâm Đại Ngọc. Còn nàng Tiết Bảo Thoa, viên ngọc minh châu của nhà họ Tiết, có dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn “mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh” lại có vẻ ít được khán giả Việt để ý hơn. Chia sẻ điều này với đạo diễn người Singapore, ông hỏi: “Tôi muốn biết khán giả Việt nhìn nhận Tiết Bảo Thoa thế nào?’. Tôi đáp: “Nhiều người thích Lâm Đại Ngọc. Tiết Bảo Thoa bên cạnh Lâm Đại Ngọc có vẻ nhạt nhòa”. Chua Soo Pong bênh Tiết Bảo Thoa: “Nhưng Tiết Bảo Thoa không có gì sai cả. Cô ấy chỉ sai ở một điểm: Khi biết Giả Bảo Ngọc không thích mình, lại không lùi ra, mà vẫn tiến”. Trong vở “Hồng Lâu Mộng” Chua Soo Pong muốn thông qua nhân vật Tiết Bảo Thoa để truyền tải thông điệp giản dị với bạn trẻ: Khi gặp người không yêu thương mình, bạn nên lựa chọn cách thoát ra. Như vậy sẽ không gây đau khổ cho chính mình, cho người mình yêu, cũng như người yêu của người ấy”.
Vai Tiết Bảo Thoa được đạo diễn Singapore trao cho diễn viên trẻ Trịnh Khánh Linh. Vai diễn là một cơ hội cũng là một thách thức với Trịnh Khánh Linh. Trong mắt đạo diễn Singapore diễn viên vào vai Tiết Bảo Thoa phải có gương mặt phúc hậu. Ông xây dựng một Tiết Bảo Thoa có nội tâm đầy giằng xé: “Cậu ấy không muốn nhân duyên vàng ngọc, lại luôn mồm nói muốn Lâm muội. Người Bảo Ngọc yêu là Lâm muội, sao ta có thể đi cướp người yêu của người khác. Ta cũng lo khi bị ép thành thân, Bảo Ngọc sẽ giở mặt mà hận ta. Càng thương xót Đại Ngọc vốn nhiều sầu bệnh, chẳng may có việc bất trắc ta sao nỡ lòng đây, sao nỡ lòng giương mắt nhìn trái tim em ấy tan nát, khóc khô nước mắt ôm hận suốt đời…”.
Đạo diễn Chua Soo Pong khẳng định: “Tôi dựng Tiết Bảo Thoa sẽ không nhạt nhòa, Vương Hy Phượng cũng không nhạt nhòa, Giả Mẫu cũng không nhạt”. Hiếm thấy một đạo diễn nào vui tính và kỹ tính cỡ Chua Soo Pong. Ông để nguyên một buổi hướng dẫn diễn viên cách sử dụng trang phục cho đúng điệu người Trung Quốc xưa trong gia tộc dòng dõi. Cảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa được đặc biệt chú trọng trong vở diễn nên ông hướng dẫn diễn viên tỉ mỉ. Từng động tác lết chân, chắp tay cúi lạy xin được chết của Giả Bảo Ngọc trước mặt Giả Mẫu khi biết tin không thể lấy được “người trong mộng” cũng được ông thị phạm diễn viên nhiều lần. Trong buổi tập Chua Soo Pong luôn nhắc nhở chị em nghệ sỹ “tất cả những khoảnh khắc đều phải đẹp, ngay lúc đau buồn nhất cũng phải giữ gương mặt đẹp”.
Chua Soo Pong không phải cái tên xa lạ với sân khấu Việt. Ông tham gia công tác giảng dạy và từng dựng nhiều vở cho Nhà hát Tuồng, Nhà hát Kịch Việt Nam, Khoa cải lương- Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh…
Đạo diễn Singapore sang Việt Nam từ năm 1993: “Khi ấy Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tôi bước xuống máy bay, đi từ sân bay đến khu vực hồ Hoàn Kiếm, trời tối, mặt đường kém”, ông kể. Điều ông thích thú khi đến Việt Nam: “Ở Việt Nam có nhiều người trẻ, không giống Nhật Bản và một số nước khác, người già nhiều”. Thái độ ham học hỏi, đam mê nghệ thuật và cống hiến hết mình của sinh viên trẻ tạo ấn tượng tốt với đạo diễn, tiến sỹ Chua Soo Pong: “Khi kết thúc buổi học nhiều sinh viên gửi email cho tôi hỏi nhiều vấn đề, mặc dù có trở ngại về ngôn ngữ, các em viết bằng tiếng Trung, tiếng Anh không chuẩn nhưng tôi vẫn đoán được ý”.