Hơn 70% bệnh nhân mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt phổ biến với trên 80% bệnh nhân trên 50 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam có hơn 70% bệnh nhân mù lòa có nguyên nhân do bệnh đục thủy tinh thể. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phương pháp, sẽ dẫn tới mù lòa và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày.

Bệnh có thể điều trị bằng hai phương pháp chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Hiệu quả của các biện pháp điều trị nội khoa thường chỉ có tác dụng trong giai đoạn sớm của bệnh và có thể chia ra hai đường dùng:

- Toàn thân: Các phác đồ điều trị được đưa ra là các biện pháp chống lão hóa, đồng thời dùng thêm các thuốc tăng cường vitamin C, Calci, Glutathion,…

- Tại chỗ: Nhỏ mắt bằng các dung dịch chứa Iod, chất ổn định bao thể thuỷ tinh, chất giúp tăng sản sinh glutathol, chất ngăn chặn sự biến tính protein của thể thuỷ tinh…

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp có thể giúp bệnh nhân đục thủy tinh thể khỏi hoàn toàn. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

Lấy thể thuỷ tinh trong bao

Phương pháp này chỉ áp dụng với trường hợp đục thủy tinh thể do tuổi già vì khi đó sự liên kết giữa thể thuỷ tinh và dịch kính không còn chặt chẽ.

Sau phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh trong bao thường xảy ra hiện tượng co kéo dịch kính do cả khối dịch kính bị xô về phía trước, tăng nguy cơ phù hoàng điểm dạng nang và bong võng mạc, do đó phương pháp này ngày nay ít được dùng.

Lấy thể thuỷ tinh ngoài bao

Thành phần bao trước của thể thuỷ tinh được mở bỏ đi dưới dạng hình tròn đường kính khoảng 5-7mm. Chất nhân (cortex) và nhân trung tâm (nucleus) trong mắt được loại bỏ qua một đường rạch vào nhãn cầu ở vùng rìa giác - củng mạc rộng vừa đủ để nhân trung tâm lọt ra ngoài.

Lấy thể thuỷ tinh bằng siêu âm

Phương pháp này còn gọi là phương pháp Phaco. Cách thức phẫu thuật cũng gần giống như lấy thể thuỷ tinh ngoài bao nhưng đường rạch thì rất nhỏ (2,8 - 3,2 mm). Qua chỗ rạch này người ta đưa đầu tip siêu âm vào tán nhuyễn nhân trung tâm và hút bỏ.

Đây là phương pháp được ưa chuộng nhất hiện nay vì ít gây sang chấn, thời gian phẫu thuật ngắn (7-10 phút), đường mổ nhỏ, không đau, không chảy máu.

Cắt thể thuỷ tinh

Thể thuỷ tinh được cắt và hút bỏ bằng máy cắt dịch kính. Phương pháp này chỉ áp dụng cho đục thể thuỷ tinh ở trẻ nhỏ, người trẻ và chỉ trong những trường hợp đặc biệt. Điều chỉnh quang học cho mắt đã lấy bỏ thể thuỷ tinh.

Thể thuỷ tinh là một thấu kính hội tụ góp phần tạo ảnh trên võng mạc để mắt có thể nhìn rõ vật, do đó khi đã lấy bỏ thể thuỷ tinh thì phải có một kính hội tụ khác để thay thế vai trò của nó.

Kính hội tụ đó có thể được dùng dưới các dạng:

Kính gọng

Là phương pháp tốn ít chi phí nhất. Việc dùng kính gọng được chỉ định khi cả hai mắt đã được mổ lấy bỏ thể thuỷ tinh hoặc bệnh nhân chỉ còn sử dụng một mắt.

Nhược điểm của việc đeo kính gọng là nặng, mắt kính dễ xước ở trung tâm mắt kính và nhìn với độ phóng đại lớn (khoảng 30%), méo hình ở ngoại vi và định vị vật không chuẩn.

Kính tiếp xúc

Là cách điều chỉnh tương đối tốt, được đặt áp sát vào giác mạc, còn được gọi là kính áp tròng. Dùng kính tiếp xúc có ưu điểm về thẩm mỹ, có thể dùng trong trường hợp chỉ mổ một mắt. Tuy nhiên ở môi trường nhiều bụi bặm và nóng ẩm như nước ta thì việc dùng kính tiếp xúc đôi khi nguy hiểm, dễ gây xước giác mạc và tiếp đó là viêm loét giác mạc do nấm, do vi khuẩn. Mặt khác, việc sử dụng kính tiếp xúc yêu cầu vệ sinh cao và cần có hiểu biết nhất định, vì vậy khó có thể áp dụng rộng rãi ở nước ta.

Thể thuỷ tinh nhân tạo

Đây thực chất là một thấu kính hội tụ được làm từ một trong các chất liệu Polyme, Silicon, Hydrogen,..Thể thủy tinh nhân tạo thường được đặt theo phương pháp hậu phòng, thực hiện bằng cách thay thế thể thuỷ tinh đục bằng một thấu kính nội nhãn nằm ở đúng vị trí của thể thuỷ tinh. Do vậy, đây là cách điều chỉnh hợp sinh lý, gần giống giải phẫu bình thường nên là phương pháp rất thịnh hành hiện nay.

Hơn 70% bệnh nhân mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể ảnh 1
MỚI - NÓNG