Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 4/11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng nay gần 50.000 tàu thuyền, với trên 232 nghìn người đã được thông báo về bão số 10 để chủ động ứng phó.
Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phòng Cứu hộ - Cứu nạn Bộ đội Biên phòng cho biết, Bình Định hiện vẫn còn 15 tàu/91 lao động hoạt động ở giáp ranh khu vực nguy hiểm của bão. Dù đã kêu gọi rất nhiều lần nhưng vẫn chưa di chuyển ra khỏi hẳn khu vực nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn Phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, khu vực từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có trên 175.200 lồng bè, gần 12.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó hầu hết là của Phú Yên và Khánh Hoà có thể gặp nguy hiểm khi bão vào.
Hai địa phương này đã tổ chức đoàn kiểm tra, hướng dẫn gia cố, di dời, trong đó Phú Yên có lệnh cấm biển 9 giờ ngày 4/11, phải di chuyển, gia cố lồng bè trước 18 giờ ngày 4/11/2020, Khánh Hòa hoàn thành trong ngày 5/11.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành, huyện, xã yêu cầu quán triệt các chủ tàu còn nằm trong vùng nguy hiểm thực hiện chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn, trường hợp vi phạm sẽ xử phạt nghiêm khắc, thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 2/11.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thuỷ lợi, hiện các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hoà có 17 hồ có cửa van đã đầy nước, có 8 hồ xả tràn. Đáng lưu ý, khu vực Bắc Trung Bộ có gần 100 hồ chứa hư hỏng và đang thi công, trong tình trạng tương tự, ở Nam Trung Bộ có 58 hồ và Tây Nguyên 84 hồ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 202 hồ thuỷ điện có cập nhật thông tin lưu lượng nước về hồ đang tăng. Trong khu vực bị ảnh hưởng do bão số 9 vừa qua, ở Tây Nguyên có 21 hồ và Nam Trung Bộ có 13 hồ đang vận hành xả qua tràn.
Về cơn bão số 9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, khoảng 7 giờ sáng nay (4/11), bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Nam Đông Nam, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo dự báo, trong 24 đến 48 giờ tới, bão có xu hướng di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Nam. Bão giữ sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, rồi yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Cơ quan dự báo lưu ý, vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm nay (4/11) tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.
Đáng lo ngại, bão sẽ gây mưa rất to từ đêm 4/11 đến 6/11 ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 250-350 mm/đợt.
Khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Đặc biệt, lưu ý các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 9 đã làm 39 người chết, 44 người mất tích. Trong số những người còn mất tích, Quảng Nam có 20 người (trong đó Nam Trà My 15 người, huyện Phước Sơn 4 người, Hiệp Đức 1 người), Bình Định 23 người (trên 2 tàu cá bị chìm) và Kon Tum 1 người. Đến sáng nay, vân còn hơn 300 hộ dân ở Nghệ An vẫn còn bị ngập, chủ yếu ở huyện Hưng Nguyên và thành phố Vinh.