Lấn chiếm tràn lan
Trong số hơn 15.000ha đất rừng, đất lâm nghiệp bị phá và xâm lấn trái phép, nhiều nhất là ở huyện Minh Hóa (7.200ha), Tuyên Hóa (3.700ha), Bố Trạch (891ha), Lệ Thủy (1.000ha)…, trong đó có gần một nửa (6.700ha) là rừng tự nhiên.
Đất rừng bị lấn chiếm tràn lan gây ra nhiều hệ lụy |
Việc đất rừng và đất lâm nghiệp bị xâm lấn chủ yếu xảy ra tại các địa phương có diện tích rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp gần với khu vực sinh sống của người dân. Nguyên nhân trước hết là chủ rừng, chính quyền địa phương đã lỏng lẻo trong quản lí, không ngăn chặn hiệu quả, triệt để hành vi xâm lấn trái phép của người dân.
Ngoài ra, áp lực thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, nhu cầu trồng rừng kinh tế của người dân và tập quán canh tác nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm lấn đất rừng và đất lâm nghiệp.
Việc xâm lấn đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép kéo theo nhiều hệ lụy. Việc xâm lấn rừng đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ, gây lũ lụt, sạt lở đất; chủ rừng bị mất đất, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; xảy ra mâu thuẫn giữa người được giao rừng và người lấn chiếm, an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng vì tranh giành đất đai; lăng mộ xây trái phép trên đất rừng, đất lâm nghiệp sẽ gây hậu quả lâu dài…
Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết trồng cây và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, các địa phương đã xử lý 404 vụ vi phạm về phá rừng (392ha), xử lý 465 vụ vi phạm về lấn, chiếm đất lâm nghiệp (3.953ha). Nhìn chung, tiến độ xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp của các địa phương vẫn còn chậm, số diện tích đã xử lý còn thấp, chiếm tỷ lệ 28,4%.
Khó xử lí
Trước thực trạng nhiều diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị xâm lấn trái phép gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngày 19/3/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Chỉ thị số 03, về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị số 03) để từng bước thu hồi lại những diện tích nói trên.
Theo báo cáo gần đây nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, tỉnh có 6/7 địa phương đã phê duyệt phương án xử lý về phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 03 (huyện Lệ Thủy chưa phê duyệt phương án). Việc xử lý vi phạm liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp theo Chỉ thị số 03 đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật rất lớn, đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng liên quan và cần sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị, dụng cụ và kinh phí để thực hiện; hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn về ngân sách để bố trí kinh phí lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Nguyên nhân nữa là hồ sơ giao đất lâm nghiệp và hiện trạng sử dụng rừng không rõ ràng, có sự sai lệch ranh giới giữa các chủ rừng và chủ yếu được phân chia cơ học theo bản đồ; tình trạng phá, lấn, chiếm giữa các chủ rừng hoặc chủ rừng không biết rừng của mình bị phá, lấn chiếm còn phổ biến, do đó, rất khó khăn trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Ngoài ra, do không có hoặc không lưu đầy đủ hồ sơ nên rất khó khăn cho việc điều tra, xác minh, lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật; việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã xảy ra từ lâu và trong thời gian dài; một số văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, chồng chéo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…