Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đóng cửa, không thể phục vụ khách trong nhiều tháng do vướng mắc các quy định về phòng cháy chữa cháy. Nhiều nhà quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương nêu ý kiến, đề xuất để sớm đưa các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường hoạt động trở lại.

Nhiều nút thắt

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, sáng 15/6 tại Hà Nội.

Hội nghị tập trung vào hai nội dung: đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 110 của Chính phủ quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động ảnh 1

Hội nghị tập trung đánh giá công tác triển khai Nghị định 54 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và Nghị định số 110 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Bà Vi Thanh Hoài - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 54 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận định sau gần 5 năm thực hiện, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường dần đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

“Hầu hết địa phương đều cho rằng Nghị định đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan được phân công cụ thể, rõ ràng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được các địa phương tuyên truyền triển khai, hướng dẫn kịp thời”, bà nêu.

Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động ảnh 2

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Sau khi Nghị định 54 được ban hành, công tác thanh, kiểm tra được chú trọng và tiến hành thường xuyên tại các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn. Theo báo cáo của Bộ Công an ngày 15/3, có hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động.

Những vi phạm chủ yếu do lắp đặt không đúng quy cách biển quảng cáo che hết mặt trước nhà, không bảo đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận, tác nghiệp, lắp đặt, sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm trên đường giao thông, lối thoát hiểm và trong phòng hát là chất dễ cháy, thiếu lối thoát nạn hoặc đường, lối thoát nạn không đảm bảo quy định, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC...

Hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường còn nhiều bất cập. Sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, vừa hoạt động trở lại hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không bảo đảm quy định về an toàn PCCC. Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản.

Đề cao phối hợp liên Bộ

Lý do được chỉ ra là do hầu hết cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi Nghị định 136 của Chính phủ và Thông tư số 147 của Bộ Công an có hiệu lực đã được cấp đầy đủ Giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ nêu thực trạng các cơ sở kinh doanh rất khó khăn, hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke của tỉnh phải dừng, nghỉ hoạt động do vướng mắc thủ tục về đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, nhiều cơ sở có nguy cơ giải thể hoạt động karaoke vì không đảm bảo theo quy định hiện hành.

Vị này mong muốn Bộ VHTTDL, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn về thủ tục đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nối lại hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động ảnh 3

Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu phát biểu tại Hội nghị.

“Công tác PCCC chắc chắn phải đảm bảo nhưng theo tiến độ gỡ rối thế này rất khó cho người kinh doanh. Chi phí sửa chữa một phòng hát lên tới 500 triệu đồng/phòng, mỗi cơ sở có tới 5-10 phòng hát, chi phí sửa chữa là vô cùng lớn”, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết.

Ông khẳng định không thể cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường mà phải khắc phục, sửa đổi để không làm mất quyền lợi của người dân.

Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị đình chỉ hoạt động ảnh 4

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân về những quy định pháp luật.

Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu cho biết trên thực tế một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn chưa nhận thức đầy đủ quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, dẫn đến những rủi ro, tổn thất lớn về tính mạng, tài sản.

“Đối với Bộ Công an, Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho phù hợp thực tiễn”, ông đề nghị.

Ghi nhận các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân về những quy định pháp luật nói chung, phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước của từng ngành, trong đó có ngành VHTTDL.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Trước những bất cập hiện nay, Bộ VHTTDL sẽ giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các lớp tập huấn tại các địa phương trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.