Sự kiện nhằm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, bao gồm các buổi hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật và công nghiệp, trình diễn ánh sáng, các buổi lễ khánh thành công trình xây dựng.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói có những dấu hiệu cho thấy đài truyền hình Triều Tiên đang chuẩn bị phát sóng trực tiếp một cuộc duyệt binh lần đầu tiên kể từ năm 2017 và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể phát biểu trong sự kiện này.
Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng lễ duyệt binh để phô diễn một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.
“Có khả năng Triều Tiên sẽ trình làng các loại vũ khí chiến lược mới, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, để thu hút sự chú ý vào thời điểm kinh tế của nước này đang khó khăn”, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm thứ Năm.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young nói với các nhà lập pháp rằng việc trưng bày một tên lửa mới có thể là một “cuộc biểu dương lực lượng cường độ thấp” trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ ít khiêu khích hơn một vụ phóng hoặc thử hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa
Ông Kim đã không trình diễn ICBM tại lễ duyệt binh kể từ lần đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018, nhưng các cuộc đàm phán của họ về việc dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã bị đình trệ và Bình Nhưỡng cho thấy sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng với Washington.
Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng: “Việc trưng bày các ICBM mới sẽ báo hiệu rằng Triều Tiên đang tiếp tục chiến lược này và có thể cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa”.
Bruce Bennett, nhà phân tích Quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nhận định, do tên lửa được trưng bày trong các cuộc duyệt binh thường là tên lửa giả, Triều Tiên có thể làm tăng lo ngại của Mỹ bằng cách trình diễn thêm các xe phóng ICBM (TEL).
“Cho đến nay, Triều Tiên đã trình diễn 6 chiếc xe phóng của loại tên lửa Hwasong-15 dường như được sản xuất tại Trung Quốc, cho thấy mối đe dọa ICBM hạn chế, hậu quả của các lệnh trừng phạt. Bằng cách trình diễn hơn chục chiếc TEL này, Triều Tiên sẽ cho thấy rằng mối đe dọa ICBM của họ đã lớn hơn và có thể phát triển hơn nữa vì họ có thể có được nhiều TEL hơn nữa”, ông Bennette nói với National Interest.
Ralph Cossa, chủ tịch danh dự viện nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương ở Mỹ cho rằng cuộc diễu hành mang lại cho Triều Tiên cơ hội vàng để khiêu khích một cách thụ động.
“Có vẻ như họ đang kiềm chế không chủ động khiêu khích (không phóng/thử tên lửa) để không làm tổng thống Trump bối rối (hoặc không kích thích cơn thịnh nộ của ông ấy) nhưng sẽ nhắc nhở thế giới rằng họ vẫn ở đó và không thể bị phớt lờ. Tôi đoán là “vũ khí bí mật” mới sẽ là một hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mặc dù một ICBM cố định hoặc di động trên đất liền mới cũng có thể được trưng bày. Có lẽ tất cả những thứ trên. Người Triều Tiên không ngại bị ghét, nhưng họ ghét bị bỏ qua”, ông Cossa nói.
Tuy nhiên, tụ tập đông người trong lúc thế giới đang có đại dịch là rất rủi ro. “Chỉ một vài người dương tính với COVID-19 trong đám đông có thể tạo ra một vụ siêu lây nhiễm”, Harry Kazianis, giám đốc cấp cao chương trình Nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington nhận định.
“Ông Kim Jong-un cần cuộc diễu hành đặc biệt này để nâng cao tinh thần ở trong nước và phô diễn sức mạnh đối với nước ngoài. Việc trưng bày tên lửa tầm xa và bệ phóng di động có thể thu hút sự quan tâm khắp thế giới”. Patrick Cronin, học giả thuộc Viện Hudson (Mỹ)