Hôm nay khai hội chùa Hương: Năm vạn người trẩy hội

Suối Yến mùng 5 Tết
Suối Yến mùng 5 Tết
TP - Sáng nay, lễ hội chùa Hương chính thức bước vào mùa hội 2011, được kỳ vọng an toàn, văn minh hơn.

>> Chùa Hương trước ngày khai hội

Suối Yến mùng 5 Tết
Suối Yến mùng 5 Tết . Ảnh: Hồng Vĩnh

Sáng mùng 6 Tết (8-2) mới khai hội, nhưng khách thập phương đã đổ về khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) từ mùng 2. Tính đến chiều mùng 5, mỗi ngày có hơn ba vạn người đặt chân đến chùa Hương.

Cách bến Yến 3km, cánh xe ôm đã bắt đầu bám theo xe ô tô gạ nhận chở đò, lo chỗ để xe, ngủ nghỉ. Nhiều người đi chùa Hương lần đầu, lạ nước lạ cái, chọn giải pháp phó mặc cho cánh xe ôm dẫn đường. Từ bến Yến vào đền Trình có thể đi đò, xuồng hoặc chọn cách tản bộ phía đường bê tông trải đẹp bên trên suối Yến.

Từ đền Trình vào suối Yến, suối Long Vân, suối Tuyết, nườm nượp đò vào, ra ken sát nhau, đôi khi giật mình vì hai đò khẽ chạm thành. Ngoài đò chợ, BTC còn chuẩn bị đò chất lượng cao có gắn ghế cố định, cốt để ngăn không chở quá số lượng.

Mực nước suối Yến cũng chưa đầy 1,5m nên không may rớt xuống nước cũng bớt lo. Du khách ít thời gian cũng có thể đi hết các điểm chính ở khu di tích chùa Hương, nhờ hệ thống cáp treo từ Thiên Trù lên động Hương Tích.

Trên suối Yến vào chùa Hương
Trên suối Yến vào chùa Hương. Ảnh: Hồng Vĩnh

An toàn, văn minh hơn

Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội chùa Hương khẳng định trong phiên họp giao ban trước ngày khai hội: “Phải tổ chức sao cho nhân dân thập phương về dự lễ hội, thấy sự đổi thay, an toàn và văn minh hơn”. An toàn, văn minh cũng là tiêu chí hàng đầu để đánh giá thành công mùa tổ chức lễ hội, theo lời ông Sang.

Đại diện BTC cho rằng, phải quán triệt từ chủ nhà, từ người bán vé, chủ đò, dân bán hàng, rồi mới tính đến thái độ của khách thập phương. BTC quyết tâm dẹp bỏ tình trạng dùng tăng âm, loa đài quảng cáo, bán hàng, xe ôm tranh giành khách gây phản cảm năm trước.

Hệ thống truyền thanh năm nay tăng cường phát quy chế lễ hội, giới thiệu danh thắng của khu di tích hơn. Chưa kể hệ thống tờ rơi in khái quát các điểm thắng cảnh chính, bản đồ sơ giản dẫn đường.

Dự tính, từ ngày khai hội đến hết tháng Giêng là thời gian cao điểm, BTC cắt đặt đủ các lực lượng tham mưu, trợ giúp. An ninh có cảnh sát túc trực tại các chốt, trạm chính, chưa kể lực lượng y tế, văn hóa.

Cơ sở hạ tầng chỉnh trang hơn, nguyên tuyến đường bộ lên động Hinh Bồng được đầu tư gần năm tỷ đồng. Đường thủy thông thoáng hơn, do lòng suối Yến mới nới rộng. Khu vực hàng quán mới chỉnh trang gồm 311 điểm bán hàng.

Khu chứa rác bố trí hợp lí, có mái che, mới đầu tư tiền tỷ, tăng cường hàng loạt thùng rác dọc các điểm thắng cảnh, thậm chí cả sọt rác trên đò, hạn chế vứt rác xuống suối. BTC tuyên bố xử lý chủ đò nếu không dọn rác trên đò.

Tiền lễ, quản lý thế nào?

BTC quán triệt tinh thần nghị định 75CP về xử phạt vi phạm hành chính trong văn hóa, có hiệu lực từ tháng 7-2010. Theo đó, hạn chế tối đa tiền giọt dầu nhân dân đi lễ gài, cắm ở tay Phật và nhiều nơi, gây phản cảm. BTC cũng bố trí người thu gọn ở những nơi gài tiền giọt dầu tràn lan. Nếu phát hiện đốt đồ mã nơi công cộng, hành nghề mê tín dị đoan cũng xử lý nghiêm.

Cảnh giác “nữ tặc”

Ông Lê Văn Sang nói, BTC cố gắng trong công tác quản lý, điều lo ngại hơn cả là ý thức của người tham gia lễ hội, nhất là vấn đề thải rác gây ô nhiễm, bởi chỉ tính riêng ngày khai hội khoảng năm vạn người dự.
Về các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ không được áp giá của BTC, du khách nên khảo giá trước khi chấp thuận. Đề phòng nạn móc túi, trộm cắp, nhất là thời gian gần đây có hiện tượng “nữ tặc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG