Theo thông tin của PV Tiền Phong, đoàn kiểm tra ngoài các thành viên của Tổng cục Đường bộ, có thêm một số cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng tham gia. Các lực lượng sẽ kiểm tra độc lập, với các nghiệp vụ riêng của mình để đảm bảo khách quan.
Theo đó, ngoài kiểm tra sổ sách, dữ liệu lưu trữ, đoàn kiểm tra sẽ cử cán bộ trực tiếp ra cabin thu phí đếm xe để đối chứng. Ngoài ra, phía Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cũng cử cán bộ tham gia, vừa cung cấp thông tin, số liệu, vừa tham gia cùng đếm xe để đối chứng với đoàn kiểm tra...
Tổng cục Đường bộ cho hay, sau khi có kết quả chính thức việc kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây sẽ công bố công khai với báo chí. Tuy nhiên, việc kiểm tra đột xuất này hiện chỉ giới hạn với trạm Dầu Giây, vì có dư luận sau vụ cướp, còn chưa thực hiện kiểm tra đột xuất với các trạm thu phí, các dự án BOT khác trong đợt này.
Dù số liệu đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ có được công bố ra sao, chắc chắn sẽ chưa thể làm hài lòng dư luận. Điều này do hoạt động thu phí giao thông hiện vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công, chưa đảm bảo công khai, minh bạch, khó giám sát. Đặc biệt, sau một số vụ trạm thu phí giấu doanh thu thực tế và vấn đề BOT giao thông thời gian qua đã ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.
Trong khi đó, việc triển khai thu phí tự động không dừng vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch Thủ tướng giao, với không ít khó khoăn, vướng mắc vì nhiều lý do. Những rào cản này tới từ cả cách triển khai của cơ quan quản lý nhà nước (các đơn vị của Bộ GTVT) và sự không hợp tác của một số nhà đầu tư BOT giao thông (Tiền Phong đã có loạt bài phân tích đăng tải liên tục từ số báo ra ngày 13/2/2019 và đã có văn bản gửi câu hỏi tới Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện chờ hồi đáp).
Lại đề xuất tăng phí, tái hoạt động
Cty CP Đại Dương - nhà đầu tư Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long vừa kiến nghị Bộ GTVT được điều chỉnh tăng mức phí qua trạm BOT Đại Yên từ 1/3 tới đây. Nhà đầu tư đề xuất tăng phí từ 30.000 đồng hiện nay lên 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi. Theo nhà đầu tư, hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư được tăng phí 3 năm 1 lần, mức tăng khoảng 18% mỗi lần. Tuy nhiên, từ tháng 10/2014 tới nay, dự án chưa tăng phí lần nào.
Trong một diễn biến khác, Cty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - nhà đầu tư Dự án BOT Cai Lậy cũng phát đi thông tin sẽ thu phí trở lại trạm thu phí này trong ít ngày tới. Theo nhà đầu tư, trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ giữ nguyên vị trí, giảm mức phí từ 35.000 đồng xuống 15.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi; miễn, giảm phí cho các phương tiện của người dân địa phương quanh trạm thu phí. Đồng thời, tăng thời gian thu phí từ 7 năm lên khoảng 15 năm 9 tháng. Trạm thu phí này phải dừng thu từ cuối năm 2017, do tài xế phản đối.
Với trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định), UBND tỉnh Nam Định cho hay, đã thống nhất với nhà đầu tư (Cty Tasco) sẽ giảm phí từ 30.000 đồng xuống 15.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi và thu phí trở lại trong đầu năm 2019. Trạm thu phí này phải dừng thu từ giữa năm 2018, cũng do tài xế phản đối.
Ở một diễn biến khác, từ 0h ngày 21/2, trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đặt trên QL1 thu phí cho tuyến tránh TP Hà Tĩnh) đã chính thức tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ. Trong các năm 2016, 2017, 2018, trạm thu phí BOT Cầu Rác từng gặp phản ứng của lái xe vì cho rằng trạm đặt chưa đúng vị trí.
Trước đó, trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình) đã phải chuyển về tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng; còn trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nôi Bài thu phí cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hiện vẫn phải xả trạm do lái xe tập trung phản đối từ trước Tết Nguyên đán vừa qua.
Giải pháp nào cho BOT?
Với các trạm thu phí BOT đường bộ có bất cập về vị trí đặt trạm (17 dự án), trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để giải quyết triệt để chỉ có giải pháp dùng ngân sách mua lại các dự án. Tuy nhiên, việc này không khả thi do ngân sách hiện khó khăn, nếu mua lại phải bỏ ra vài chục nghìn tỷ đồng. Do đó, theo ông Thể, Bộ GTVT có đưa ra giải pháp, việc mua lại dự án BOT còn bất cập Quốc hội có thể xem xét vào nhiệm kỳ ngân sách tới, vì hiện kỳ ngân sách trung hạn 2016-2020 đã phân bổ hết.
Trong khi đó, có chuyên gia đề xuất, nhà nước có thể mua lại các dự án BOT trên danh nghĩa, sau đó đấu thầu bán lại quyền thu phí để trả nhà đầu tư. Việc có thêm bên thứ 3 vận hành dự án sẽ giúp giảm sự phản đối của tài xế với các trạm thu phí có bất cập về vị trí, thêm minh bạch. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, cách làm như trên chỉ phức tạp thêm, vì nếu áp dụng thu phí tự động không dừng, thực tế bên thứ 3 đã tham gia thu phí thay nhà đầu tư, không khác gì đề xuất trên.
Hiện tại, Bộ GTVT cũng nghiên cứu thêm phương án đề xuất Chính phủ, Quốc hội có thể mua lại khoản vay của nhà đầu tư BOT với các ngân hàng để bỏ trạm thu phí. Với cách này, ngân sách chỉ cần bỏ ra trước 1 khoản tiền trả phần nhà đầu tư đã rót vào dự án, còn phần vốn vay ngân hàng (cả gốc và lãi) ngân sách sẽ trả góp theo hợp đồng vay vốn nhà đầu tư đã ký. Giải pháp này giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, vì các hợp đồng vay vốn đều có thời hạn dài, trả dần thay vì phải chuyển 1 lần. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ khiến số nợ công tăng.
Theo công bố của VEC, tuyến cao tốc TPHCM – Dầu Giây có 3 trạm thu phí, tổng thu bình quân năm 2018 là trên 3,1 tỷ đồng/ngày đêm. Trong đó, trạm thu phí Dầu Giây bình quân hơn 740 triệu đồng/ngày đêm, trạm Long Phước trên 1,5 tỷ đồng/ngày đêm, trạm QL51 hơn 914 triệu/ngày đêm.