Hồi ức của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam

Ông Chuck Hagel được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Ông Chuck Hagel được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
TPO-Bị bỏng nặng khi chiếc xe bọc thép của mình gặp bãi mìn ở Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiềm năng Chuck Hagel từng ngồi trầm tư trên chiếc trực thăng cấp cứu, nhớ lại nỗi kinh hoàng về chiến tranh Việt Nam.

“Nếu tôi có thể thoát được nó, nếu tôi có thể có tầm ảnh hưởng lên điều gì, tôi sẽ làm tất cả có thể để ngăn chặn chiến tranh”, ông nói với người viết tiểu sử của mình là Charlyne Berens.

Ông Hegal từng xung phong tham gia quân đội Mỹ và kết thúc nghĩa vụ kéo dài 1 năm trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân năm 1968, thời điểm được coi là khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Khi đó, ông làm việc cùng với em trai mình.

Ông từng giành hai huân chương Purple Heart (Trái tim đỏ tía), loại huân chương dành cho bất cứ lính Mỹ nào bị thương trong chiến đấu, bất kể nặng hay nhẹ. Một huân chương ông được trao vì cứu mạng sống của em trai. Chiếc còn lại được trao vì ông bị một mảnh bom găm vào ngực khi đi tuần tra cùng em trai, em trai đã cứu ông bằng cách dùng da mình vá lên vết thương.

Ông Chuck Hagel (bên phải)cùng em trai trong chiến tranh Việt Nam
Ông Chuck Hagel (bên phải)cùng em trai trong chiến tranh Việt Nam.

Sau khi trở về nhà, ông Hagel làm phát thanh viên một thời gian. Sau đó ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh rồi trở thành một thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa ở bang Nebraska. Ông làm thượng nghị sỹ từ năm 1997 đến 2009.

Quan điểm về an ninh và đối ngoại

Có thể nói, khoảng thời gian kinh hoàng ông Hagel ở Việt Nam đã định hình nên suy nghĩ về chiến tranh trong suốt cuộc đời, khiến ông nổi tiếng ở điện Capitol Hill với những suy nghĩ độc lập, đôi khi mâu thuẫn với các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa khác.

Quan điểm của ông là hành động quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng khi tất cả những khả năng ngoại giao khác đều thất bại.

“Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình, tôi là người theo chủ nghĩa hiện thực trừu tượng, tôi hiểu thế giới này theo đúng bản chất của nó. Nhưng chiến tranh là một điều khủng khiếp. Không hề có vinh quang, chỉ toàn đau khổ”, lời của ông trong cuốn tiểu sử viết năm 2006 có tựa đề: “Chuck Hagel: Tiến lên phía trước”.

Ông Chuck Hagel khi đang phục vụ trong quân đội thời chiến tranh Việt Nam
Ông Chuck Hagel khi đang phục vụ trong quân đội thời chiến tranh Việt Nam.

Ông Hagel từng phản đối tăng quân ở Iraq, cũng như ông Obama, ông gọi đó là “chính sách đối ngoại sai lầm nguy hiểm nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam”. Ông ủng hộ việc rút quân sớm khỏi Iraq và Afghanistan. Ông cho rằng người Mỹ không hiểu nhiều về đất nước, con người và lịch sử của Iraq và vai trò của nó trong thế giới Arab. Hagel khẳng định cả Iraq và Afghanistan không phải là nơi để người Mỹ thắng hay thua. Năm 2005, ông so sánh Chiến tranh Iraq với Chiến tranh Việt Nam (hàm ý sự sa lầy của quân đội Mỹ và việc không dập tắt được phong trào nổi dậy của người Iraq).

Tương tự, ông từng phản đối ông Obama trong tăng quân ở Afghanistan và kêu gọi cắt giảm chi tiêu quốc phòng Mỹ.

Đối với vấn đề Israel và Iran, vị cựu thượng nghị sĩ cũng giữ quan điểm mềm mỏng. Ông ủng hộ việc đàm phán cho vấn đề chương trình hạt nhân Iran, thay vì sử dụng vũ lực và trừng phạt. Ông nêu quan điểm Israel cần linh hoạt hơn trong đàm phán hòa bình với người Palestine và thúc giục Tổng thống Obama tìm kiếm đối thoại với phong trào Hamas.

Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều người khác không hài lòng với việc ông có thể lên thay ông Leon Panetta lên nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Tiếng nói chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama

Khi còn làm ở Thượng viện, ông Hagel rất thân thiết với ông Obama. Họ tìm được tiếng nói chung về việc sử dụng lực lượng quân sự và cách tiếp cận vừa phải các vấn đề về quan hệ đối ngoại của ông Hagel. Ông Obama cũng đánh giá rất cao sự trung thành và tận tụy của ông.

Ông Chuck Hagel rất được lòng Tổng thống Mỹ Barack Obama
Ông Chuck Hagel rất được lòng Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Hagel, Obama và Thượng nghị sỹ Jack Reed từng có chuyến công du cùng nhau đến một số nước Trung Đông trong đó có Iraq vào năm 2008.

“Đó là một chuyến đi tuyệt vời. Chúng tôi trao đổi ý tưởng về khu vực, và tôi nghĩ rằng tổng thống cũng rất ấn tượng với không chỉ sự hiểu biết (của ông Hagel) mà còn bởi những câu hỏi của ông đặt ra cho ông Obama và các lãnh đạo ngoại giao mà chúng tôi gặp mặt”, truyền hình CNN trích lời ông Reed.

Ông Hagel và Obama còn có điểm chung khi nói về vấn đề Iran. Cả hai cùng đánh giá cao những đối thoại cởi mở với Iran. Tuy nhiên, khi ông Hagel có những lập luận chống lại lệnh trừng phạt Iran thì Tổng thống Mỹ là cho rằng phải trừng phạt Iran bằng các biện pháp cứng rắn hơn.

Những phe phản đối ông lên làm Bộ trưởng Quốc phòng

Đối với ông Hagel, để được vào Lầu Năm Góc có nghĩa là ông phải vượt qua được những phản đối của nhóm ủng hộ Israel và những người khác, những người phản đối quan điểm về Iran và Hamas của ông. Hagel phản đối những nỗ lực nhằm cô lập các nhóm chiến binh Hamas.

Ông Hagel khi ở Việt Nam năm 1968
Ông Hagel khi ở Việt Nam năm 1968.

Các nhóm thân Israel (ở Mỹ) và bảo thủ đã phát động một chiến dịch rầm rộ nhằm loại bỏ ông Hagel khỏi vị trí kế vị ông Leon Panetta. Họ kết tội cựu nghị sĩ bang Nebraska là bài Do Thái và mềm yếu đối với Iran.

Ông cũng vấp phải sự phản đối của các nhóm quyền đồng tính, những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của ông Obama vì một bình luận của ông năm 1998. Khi đó, ông Hagel đã phản đối việc bổ nhiệm 1 người đồng tính nam là James Hormel vào vị trí đại sứ. Ông đặt ra câu hỏi liệu một ứng cử viên cho chức đại sứ là phù hợp khi anh ta là “một người đồng tính xông xáo và công khai”. Trước đó, ông cũng phản đối việc cho phép người đồng tính phục vụ trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ông Hagel đã chính thức đưa ra lời xin lỗi.

Nếu ông được Thượng viện phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, ông Hagel sẽ được giao trọng trách viết nên chương cuối cùng về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, và giám sát những nhóm quân đội nhỏ hơn vẫn hoạt động ở đó.

Ông Hagel từng chỉ trích chính sách của Mỹ tại Afghanistan. Năm 2009, ông phản đối tăng 30.000 quân của Tổng thống Obama, ông nói với National Journal: “Tôi không chắc rằng chúng ta hiểu những gì đang làm ở Afghanistan. Chính sách này không bền vững. Tôi cho rằng chúng ta đang đánh dấu thời gian bằng việc giết chết những người trẻ tuổi”.

Nếu làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông sẽ là người giải quyết vấn đề ngân sách của Lầu Năm Góc. Ông đã từng nói rằng ngân sách Lầu Năm Góc là quá lớn.

“Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang quá cồng kềnh. Vì vậy tôi nghĩ cần cắt giảm ngân sách Lầu Năm Góc”.

Chân dung ông Chuck Hagel

Ông Chuck Hagel sinh ngày 4-10-1946 tại North Platte, Nerbraska. Ông Hagel lớn lên trong nghèo khó và làm nhiều công việc từ lúc 9 tuổi để sống qua ngày. Ông tốt nghiệp Viện Phát thanh và Truyền hình năm 1966 và lấy bằng cử nhân ngành Lịch sử trường Đại học Nebraska ở Omaha năm 1971.

Ông phục vụ trong Lục quân Mỹ ở Việt Nam từ năm 1967 đến 1968 với lon trung sỹ và giữ chức tiểu đội trưởng bộ binh. Sau khi trở về Mỹ, ông làm phát thanh viên và người dẫn chương trình một thời gian.

Trong những năm cuối thập niên 70, ông tham gia vận động hành lang cho Công ty Lốp và Cao su Firestone. Từ 1982 đến 1996, ông lao vào kinh doanh và trở thành 1 triệu phú. Trong giai đoạn này, ông giữ các cương vị lãnh đạo trong nhiều công ty.

Ông bắt đầu bước vào chính trường sau khi được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1997. Ông hoạt động ở đó trong 2 nhiệm kỳ (đến năm 2009). Sau đó, ông rút lui khỏi Thượng viện, đảm nhận vị trí giáo sư tại trường Đối ngoại Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown. Hiện ông vẫn giảng dạy tại đó. Ông đồng thời giữ hàng loạt chức vụ khác như Chủ tịch Hội đồng Atlantic (Đại Tây Dương), Đồng Chủ tịch Ban Cố vấn Tình báo cho Tổng thống, làm giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của một số công ty,…

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.