'Hồi sinh' sông Kim Ngưu: Làm gì để tránh vết xe đổ?

Sông Kim Ngưu trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Sông Kim Ngưu trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
TP - Ðề án hồi sinh sông Kim Ngưu vừa đưa ra lấy ý kiến chuyên gia đã khiến không ít người lo ngại khi đưa ra phương án xây dựng khu thương mại sau khi cải tạo sông. Nhất là sau khi vụ việc cải tạo mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Ðô vẫn chưa khắc phục xong hậu quả...

Mới đây, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về Dự án chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường đoạn sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng). Thực tế hiện nay sông Kim Ngưu đang phải hứng một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh không qua xử lý. Là tuyến đường giao thông huyết mạch, buôn bán sầm uất, thế nhưng đây lại là một điểm nóng ô nhiễm nội đô. Trước tình trạng trên, đơn vị tư vấn đã xây dựng phương án cải tạo môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2 km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động.

Việc cải tạo được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, phát huy yếu tố công cộng. Các công trình dự kiến được xây dựng gồm quảng trường, đài phun nước, biểu tượng dự án; hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng; khu vực thương mại dịch vụ; tuyến phố đi bộ... Dự kiến, sau khi hoàn thành 1,2km đầu (từ Trần Khát Chân đến cầu Mai Động), đơn vị sẽ tiếp tục tư vấn làm toàn bộ 3km sông Kim Ngưu.

Ý tưởng đề xuất cải tạo môi trường các dòng sông ở Hà Nội đều được các chuyên gia đánh giá cao, thống nhất quan điểm làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, “hồi sinh” dòng sông là một chuyện, còn quản lý thương mại dịch vụ ra sao để không bị biến tướng lại là vấn đề gây nhiều lo ngại.

Ông Tô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, đoạn sông Kim Ngưu nói trên hiện là một không gian thoáng liên tục và khá rộng rãi (từ mặt phố bên này sông tới mặt phố bên kia sông). Dự án đề xuất xây dựng một số công trình thương mại - dịch vụ vào giữa khoảng không gian này sẽ làm cho không gian thoáng vốn liên tục nay sẽ bị thu hẹp và chia cắt thành các không gian nhỏ hẹp, hạn chế tầm nhìn, khá bức bối. Mặt khác dự án chỉ chú ý đến không gian cảnh quan trong phạm vi lòng sông cũ, liên quan đến các công trình thương mại - dịch vụ và lân cận nhưng không xem xét tới không gian chung của toàn tuyến (bao gồm các dãy nhà hai bên sông) nên sẽ không tạo được một không gian đồng bộ, hấp dẫn, không chắp vá. Bên cạnh đó, tuyến đường Kim Ngưu hiện nay thường xuyên có ùn tắc vào giờ cao điểm. Dự án không có biện pháp nào để nâng cao năng lực thông xe cho đường mà lại đưa thêm các hoạt động cục bộ (thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe cao tầng…) nên sẽ làm cho tình hình giao thông khó khăn, tắc nghẽn thêm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đề án đưa quá nhiều công trình thương mại, dịch vụ che khuất tầm nhìn trên mặt sông. Theo ông Liêm, ý tưởng xây bãi đỗ xe thông minh 5 tầng lấn ra sông, nếu đứng từ đầu sông sẽ khó quan sát mặt sông. Dự án này sẽ biến sông Kim Ngưu thành một chuỗi ao!

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Dự án “hồi sinh” sông Kim Ngưu khác với các dự án cống hóa kênh mương trước đây là không bê tông hóa bề mặt mà đưa giải pháp để dòng sông vẫn chảy nhưng không hề có mùi hôi thối. Đây mới chỉ là ý tưởng đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, sau đó sẽ tổng hợp để xin ý kiến thành phố. Thành phố sẽ có ý kiến cụ thể về mức độ kinh doanh như thế nào, tỷ lệ ra sao. Từ đó, nhà đầu tư sẽ cân đối làm hay không làm dự án trên. Theo ông Chính, để nhà nước bỏ tiền ra làm thì rất tốn kém, không đủ nguồn lực, do đó hình thức đầu tư BT hay PPP là lựa chọn đúng đắn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia khác về đô thị cho rằng, không nên vì sức ép tài chính mà trả quyền lợi cho nhà đầu tư bằng việc khai thác thương mại ngay trên khu vực cải tạo. Thành phố có thể cân đối trả quyền lợi nhà đầu tư bằng cách khác để bảo vệ tốt nhất không gian cảnh quan của sông Kim Ngưu, không gây ùn tắc và cũng không lặp lại vết xe đổ khi cải tạo mương Phan Kế Bính.

Ý tưởng đề xuất cải tạo môi trường các dòng sông ở Hà Nội đều được các chuyên gia đánh giá cao, thống nhất quan điểm làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, “hồi sinh” dòng sông là một chuyện, còn quản lý thương mại dịch vụ ra sao để không bị biến tướng lại là vấn đề còn khúc mắc. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.